Thực trạng băng tan xảy ra theo đúng kịch bản xấu nhất của LHQ

01/09/2020 - 19:48

Tình trạng băng tan ở Greenland và Nam Cực từ 2007-2017 diễn ra tương ứng "một cách gần như hoàn hảo" với những dự báo khắc nghiệt nhất mà Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đưa ra.

Sông băng tại Greenland. (Nguồn: theguardian.com)

Các dải băng ở Greenland và Nam Cực đang tan chảy với tốc độ tương đương những kịch bản tồi tệ nhất trong dự báo của Liên hợp quốc, một thực trạng chỉ ra rằng những mô hình dự đoán biến đổi khí hậu hiện nay có thể đã không còn phù hợp.

Lượng nước đóng băng tại những vùng này nếu tan chảy hết có thể khiến mực nước ở các đại dương tăng lên 65cm.

Theo báo cáo mới đăng trên Nature Climate Change, tình trạng băng tan ở 2 dải băng trên từ năm 2007 tới 2017 đang diễn ra tương ứng "một cách gần như hoàn hảo" với những dự báo khắc nghiệt nhất mà Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra.

Theo những dự báo này, băng tan ở 2 dải băng kể trên sẽ khiến mực nước ở các đại dương tăng tối đa 40cm vào năm 2100.

Nếu kịch bản này xảy ra, thế giới sẽ hứng chịu tác động nghiêm trọng, các cơn bão sẽ mạnh hơn với sức tàn phá ghê gớm hơn, các vùng ven biển, nơi có hàng triệu dân sinh sống, sẽ liên tục rơi vào cảnh ngập lụt trầm trọng.

Như vậy, mực nước biển dâng kể trên cũng đã cao gấp 3 lần so với những dự báo ở cấp độ trung bình mà IPCC đưa ra trong báo cáo đánh giá công bố năm 2014, trong đó dự đoán mực nước biển dâng là 70cm từ mọi nguồn, bao gồm các sông băng trên núi và mức giãn nở của nước biển khi khí hậu ấm lên.

Dù các mô hình theo dõi xu hướng băng tan không phản ánh đúng thực trạng nhưng báo cáo đặc biệt của IPCC công bố năm 2019, dự báo về các khu vực đóng băng trên Trái Đất tới cuối thế kỷ 21, vẫn duy trì những mức dự báo cũ với Greenland và chỉ tăng một chút dự báo cho vùng Nam Cực trong kịch bản khí nhà kính thải ra môi trường ở mức cao nhất.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu kêu gọi IPCC xây dựng một kịch bản khắc nghiệt nhất thay thế cho kịch bản hiện tại vì ngay từ bây giờ thì thực trạng băng tan đã đạt tốc độ nêu trong kịch bản này.

Những dự báo về mực nước biển dâng có vai trò quan trọng giúp các chính phủ xây dựng chính sách khí hậu, các chiến lược ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Nếu mực nước biển dâng không được đánh giá đúng, những biện pháp mà các chính phủ đưa ra có thể sẽ không phù hợp và khiến các cộng đồng cư dân ven biển hứng chịu những tác động nặng nề mà không được bảo vệ.

Theo nghiên cứu mới công bố năm 2019, nếu các dải băng tan ở những cấp độ nghiêm trọng nhất theo dự báo của IPCC thì tính đến giữa thế kỷ 21, khoảng 50 triệu dân toàn cầu có thể hứng chịu các trận ngập lụt thường niên.

Nếu mực nước biển dâng ít nhất 1m, thế giới sẽ phải bỏ ra chi phí khoảng 70 tỷ USD/năm cho các biện pháp bảo vệ những vùng duyên hải trước các trận ngập lụt./.

Theo LÊ ÁNH (Vietnam+)