Ảnh minh họa. (Nguồn: hopkinsmedicine.org)
Một nghiên cứu do các nhà khoa học Australia đứng đầu phát hiện thuốc kháng sinh có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thấp tim (RHD) ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch (MCRI) có trụ sở ở Melbourne (Australia) đứng đầu nghiên cứu trên, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu quốc tế.
Trong các thử nghiệm ngẫu nhiên đối với khoảng 818 trẻ ở Uganda, trong độ tuổi từ 5-17 tuổi, nghiên cứu phát hiện việc điều trị thường xuyên bằng thuốc kháng sinh penicillin có giá cả phải chăng, kết hợp với tầm soát sớm, có thể ngăn ngừa hiệu quả sự phát triển của bệnh RHD.
Trong số trẻ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, chưa đến 1% ghi nhận bệnh phát triển, thấp hơn nhiều so với 8,2% số trẻ ở nhóm đối chứng không được điều trị.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh phương pháp điều trị này hiệu quả và phí tổn phải chăng.
Bước đầu tiên cần làm là sàng lọc rộng rãi để kiểm tra trước khi bệnh tình phát triển và không điều trị được.
RHD, hay tổn thương các van tim, thường xảy ra sau nhiều đợt nhiễm trùng, nhưng đôi khi có thể xảy ra chỉ sau 1 lần nhiễm. Thương tổn van tim có thể phát triển dẫn đến suy tim.
Thống kê cho thấy RHD ảnh hưởng đến khoảng 40,5 triệu người trên thế giới và cướp đi sinh mạng của 300.000 người mỗi năm.
Thông thường, trẻ mắc RHD không biểu hiện triệu chứng và không thể phát hiện những thay đổi trên van tim nhẹ trên lâm sàng.
Do đó, chẩn đoán muộn thường đi kèm với tỷ lệ tử vong cao một phần do bỏ lỡ cơ hội được điều trị kháng sinh dự phòng. Nếu được chẩn đoán sớm, bệnh nhân có cơ hội được can thiệp và cải thiện sức khỏe.
Các nhà khoa học khẳng định tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu trên, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các thử nghiệm lâm sàng chất lượng cao để giải quyết căn bệnh tim mạch này.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành New England Journal of Medicine số ra ngày 14-11.
Theo NGỌC HÀ (Vietnam+)