Thuốc thử nghiệm chữa khỏi 100% bệnh ung thư gây nhiều tranh cãi

12/06/2022 - 09:57

Sau thử nghiệm do Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering thực hiện, Dostarlimab được coi là "liệu pháp thần kỳ" cho các bệnh nhân mắc ung thư.

Dostarlimab là loại thuốc điều trị miễn dịch của GlaxoSmithKline, được dùng cho 12 bệnh nhân mắc ung thư trực tràng trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 5/6.

Các báo cáo cho biết, sau quá trình điều trị, ung thư dường như biến mất ở tất cả mọi người và không phát hiện ra bằng cách khám sức khỏe, nội soi, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm cũng không phát hiện dấu hiệu ung thư ngay cả sau 6 tháng theo dõi trở lên. Điều này giúp họ không còn cần đến các phương pháp điều trị tiêu chuẩn như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Theo báo cáo, bệnh ung thư đã không tái phát ở bất kỳ bệnh nhân nào, những người hiện không còn ung thư trong vòng 6 - 25 tháng sau khi thử nghiệm kết thúc.

Ngoài ra, không có tác dụng phụ nào nghiêm trọng được ghi nhận. Một trong các tác giả của nghiên cứu khẳng định kết quả như vậy là chưa từng có trong lịch sử. 

Tế bào ung thư di chuyển và phân chia nhanh chóng. (Ảnh: Unsplash)

Tuy nhiên, kết luận này vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Tiến sĩ Aju Mathew, chuyên gia nghiên cứu ung thư, cộng tác với Trung tâm Ung thư Ernakulam ở Kerala (Ấn Độ), các loại thuốc hoạt động dựa trên nguyên tắc ức chế PD-1 - một loại protein trên bề mặt tế bào T và B có vai trò điều chỉnh phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các tế bào của cơ thể như Dostarlimab chỉ có thể được sử dụng cho bệnh nhân có đặc tính di truyền là thiếu hụt sửa chữa không phù hợp (MMRd). 

MMRd được ghi nhận nhiều nhất ở ung thư đại trực tràng và cũng có thể bị bắt gặp ở bệnh nhân ung thư vú, tuyến giáp, tuyến tiền liệt và bàng quang nhưng với tỷ lệ nhỏ hơn. 

Trong khi đó, Tiến sĩ Parveen Jain, trưởng khoa ung thư tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Aakash ở New Delhi (Ấn Độ) đánh giá các loại thuốc trị liệu miễn dịch như Dostarlimab dễ dung nạp hơn so với phương pháp điều trị bằng hóa trị thông thường. 

"Đây là lần đầu tiên một loại thuốc trị liệu miễn dịch hay nói đúng hơn là một phương pháp điều trị ung thư đạt tỷ lệ thuyên giảm hoàn toàn 100%", ông Jain nói.

Mathew cho biết trong vài ngày qua, các bệnh nhân liên tục liên lạc với ông để hỏi về Dostarlimab. Họ thắc mắc liệu loại thuốc này có sớm xuất hiện ở Ấn Độ và phù hợp để họ sử dụng hay không. 

"Tôi rất vui vì kết quả đầy hứa hẹn từ một nghiên cứu thử nghiệm nhưng chúng ta cần hiểu rằng đó là một thử nghiệm rất nhỏ và có hiệu quả trên những bệnh nhân mắc một loại ung thư cụ thể”, ông nói với Moneycontrol.

Đưa ra quan điểm gay gắt hơn, Tiến sĩ CS Pramesh, Giám đốc Trung tâm Y tế Tata ở Mumbai cho rằng gọi Dostarlimab là "phương pháp chữa bệnh thần kỳ", có thể tác động đến việc điều trị ung thư trên toàn cầu là "quá sớm và huyễn hoặc".

Tiến sĩ Nitesh Rohatgi, Trưởng Khoa ung thư của Viện nghiên cứu Fortis Memorial ở Gurugram nhận định điều có thể rút ra sau nghiên cứu này là các bệnh nhân bị ung thư trực tràng có thể tính tới liệu pháp miễn dịch trước khi phẫu thuật. 

"Mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước", Tiến sĩ Sewanti Limaye, Giám đốc Khoa ung thư tại bệnh viện Sir HN Reliance Foundation ở Mumbai khẳng định. 

Chia sẻ cùng quan điểm, Tiến sĩ Parveen Jain lưu ý, dù các phát hiện mới là đáng khích lệ nhưng vẫn cần thêm các thử nghiệm nhân rộng trên quy mô lớn. 

Theo DIỆU HOA (VTC News)