Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của trường đại học

22/06/2021 - 07:51

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) là một phần không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Tuy nhiên, hoạt động này những năm qua vẫn chủ yếu dừng ở nghiên cứu cơ bản, cần có những đổi mới để kết quả nghiên cứu được thương mại hóa.

Thực hành thí nghiệm tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), hoạt động KH và CN của các cơ sở GDĐH được đặt trong mối quan hệ mật thiết với hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Bộ GD và ĐT đã hướng dẫn các trường phát huy nội lực, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp để huy động các nguồn lực cho KH và CN, đổi mới sáng tạo. Số liệu thực hiện hoạt động khoa học công nghệ năm học 2019 - 2020 cho thấy, các cơ sở đào tạo triển khai 493 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 137 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 67 bằng độc quyền sáng chế, 1.088 hợp đồng chuyển giao công nghệ. 

Quá trình triển khai hoạt động KH và CN xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tiêu biểu có sản phẩm từ nghiên cứu được chuyển giao, thương mại hóa. Điển hình như Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) có nhiều sản phẩm khoa học chuyển giao một cách thuyết phục. Nhiều đề tài nghiên cứu không lấy kinh phí từ ngân sách nhưng kết quả thương mại được bổ sung vào cho đầu tư nghiên cứu ban đầu. Năm 2017, Viện được đại diện cho Việt Nam trình bày tại APEC 17 về các bảo hộ giống có khả năng thương mại đối với các loài cây thuốc quý của Việt Nam trong nước và trên thế giới. Đến năm 2020, Viện đã có gần 20 giống dược liệu quý của Việt Nam được bảo hộ và các văn bằng sở hữu trí tuệ, các quy trình công nghệ được chuyển giao cho các chương trình dự án cấp tỉnh và quốc gia. Hằng năm, Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp cung cấp từ 10 đến 15 triệu cây giống chất lượng cao cho các địa phương bởi các giống có bản quyền thương mại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận…

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hiện nay cả nước có gần hai nghìn tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập; hơn 1.600 tổ chức khoa học công nghệ công lập với 141 nghìn nhà khoa học nhưng sản phẩm KH và CN được thương mại hóa còn quá ít. Đáng chú ý, cả nước có khoảng 650 nghìn doanh nghiệp và 261 trường đại học nhưng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường đại học khá mờ nhạt. PGS, TS Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhiều nhưng hiện nay chưa hình thành được thị trường KH và CN. Tại ĐHQGHN, một năm có tới cả nghìn bài báo khoa học công bố quốc tế nhưng chỉ có khoảng 70 - 80 phát minh sáng chế. Trong số đó chỉ ứng dụng được 10%. Ở nước ta hiện nay mối quan hệ trường đại học và các doanh nghiệp hầu như không có. Ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nằm trong trường đại học mà nhà khoa học có thể làm cổ đông, là nơi để các nhà nghiên cứu đầu tư, sinh viên thực tập. Nhiều cơ sở GDĐH hiện nay đã có doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp đó không hoạt động theo bản chất nền kinh tế thị trường. Vì theo luật, công chức, viên chức không được làm doanh nghiệp. Vì vậy, hiện chưa có doanh nghiệp trong đại học theo đúng nghĩa để tạo hệ sinh thái giữa doanh nghiệp, người dân và nhà khoa học. 

Nguyên nhân của thực trạng trên, về mặt chủ quan, các nhà khoa học chưa chủ động thích ứng, chưa gắn nghiên cứu của mình với thị trường mà chủ yếu tạo ra sản phẩm là các bài báo, sách. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác thì Nhà nước chưa đầu tư mạnh và chưa tạo cơ chế phù hợp. Đáng chú ý, quy định hiện nay không cho phép nhà khoa học vừa là nhà nghiên cứu, vừa làm giảng viên lại vừa làm doanh nghiệp. Điều đó tạo nên rào cản chính dẫn đến thiếu liên kết người có nhu cầu sử dụng công nghệ với người có khả năng tạo ra sản phẩm.

Theo PGS, TS Trần Thị Thu Hà, Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp: Cần hướng dẫn các cơ sở GDĐH thực hiện quy trình chuyển giao và thương mại hóa công nghệ một cách bài bản, chuyên nghiệp. Cần xem trọng vai trò của hoạt động nghiên cứu KH và CN ở các cơ sở GDĐH như là xu hướng tất yếu. PGS, TS Vũ Văn Tích cho rằng, phần lớn các nước phát triển đều tổ chức hoạt động KH và CN theo bốn bước: Nghiên cứu cơ bản - nghiên cứu ứng dụng - nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và nghiên cứu thương mại hóa. Tuy nhiên, các trường đại học ở Việt Nam chủ yếu tổ chức hai bước là nghiên cứu cơ bản (bài báo) và nghiên cứu ứng dụng (một số giải pháp để tham mưu, tư vấn địa phương, ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội) mà còn thiếu nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa. Vì vậy, cần hướng đến thúc đẩy hệ sinh thái và hình thành thị trường KH và CN rộng rãi. Nhà nước cho phép thành lập doanh nghiệp, tổ chức trung gian, môi giới công nghệ nằm trong trường đại học. Các cơ sở GDĐH có thể đầu tư nhiều vào các công ty môi giới công nghệ để tạo ra thị trường KH và CN. Các nhà khoa học trong trường đại học có thể tham gia doanh nghiệp KH và CN để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu…

Theo XUÂN KỲ, GIANG SƠN (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích