Thưởng thức đặc sản gà đốt lá chúc- một trong 121 món ăn tiêu biểu Việt Nam

30/09/2023 - 08:25

 - Về Bảy Núi (tỉnh An Giang) điểm danh những món ngon, thì không thể thiếu gà đốt lá chúc. Chỉ mới vài năm, gà đốt lá chúc đã trở thành món “mặc định” phải có ở các điểm tham quan du lịch và đến nay vẫn xếp top đầu “món hot” du khách ưu tiên, đã được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chọn là 1 trong 121 món ăn tiêu biểu...

Gà đốt lá chúc gây thèm thuồng ngay từ hình thức gà nguyên con vàng ruộm, cho đến mùi thơm, hương vị đặc biệt… là kết quả của công thức ướp gia vị và chế biến cầu kỳ. Gà sau khi ướp gia vị sẽ đặt vào nồi đốt, đáy nồi lót một lớp dày sả, lá chúc, muối, tỏi. Đầu bếp phải khéo canh lửa, đảm bảo chín đều, màu đẹp.

Món đặc sản này đã trở thành “cơn sốt” khiến hàng quán mọc lên “như nấm”, từ miền núi cho đến thành thị ở đồng bằng. Nhưng cảm giác đến tận nơi, xem tận mắt cách làm… vẫn thích thú hơn cả.

Bạn Nep Rino (bên phải), chủ quán Tà Pạ Cốc (huyện Tri Tôn) cho biết, món ăn này xuất phát từ Campuchia. Người đầu tiên đem gà đốt về phổ biến ở Ô Thum (xã Ô Lâm) khoảng vài năm nay. Công thức “đốt” thịt gà trong nồi xâm xấp, rồi rưới dầu chậm rãi lên nguyên con để tạo độ giòn, màu vàng đều… được nhiều người học hỏi, nhanh chóng lan truyền.

Không mở quán phục vụ, nhà chị Thi nằm trong con hẻm nhỏ vẫn được nhiều khách hàng đến tận nơi đặt gà đốt. Từ ngày chuyển sang bán món ăn này, chị luôn bận rộn và có nguồn thu nhập ổn định.

Gà sau khi được đốt sẽ gói giấy bạc để giữ nhiệt, kèm theo nước chấm pha sệt. Nhờ cách này, thực khách tiện lợi mua gà đem đến những địa điểm lý tưởng để thưởng thức.

Quá trình đốt gà, tùy nơi, người chế biến đính kèm mít non, trái sa kê, tỏi nguyên củ. Thành phần phụ này hấp dẫn không kém thịt gà, bởi ăn bùi, giòn cạnh, mùi thơm đẫm gia vị của gà đốt.

Khác biệt lớn nhất khi thưởng thức gà đốt tại những địa chỉ “uy tín” là thợ nấu chọn gà ta, con nhỏ vừa, thịt có sớ, ướp gia vị sẽ thấm đậm đà. Nguyên liệu ướp thịt quen thuộc, gồm: Sả, ớt, muối, tỏi… còn lại dựa theo cách phối hợp và sử dụng bí quyết riêng của đầu bếp.

Gà chín có màu vàng hấp dẫn, nguyên liệu thấm đều, thịt mềm và giữ được vị ngọt tự nhiên. Nguyên tắc để đảm bảo gà đốt ngon là đầu bếp chỉ làm khi có khách đặt hàng chứ không đốt sẵn.

Một số quán thay vì sử dụng mít, sa kê, sẽ tặng kèm dĩa gỏi hấp dẫn.

Sau này, do nhu cầu của khách tăng đột biến, nhiều quán chọn cách đốt gà sẵn hoặc sáng tạo chế biến “cấp tốc” để kịp phục vụ. Tuy nhiên, công chờ đợi bao giờ cũng xứng đáng hơn. Thông thường, gà đốt từ 30 phút trở lên mới chín. Kỹ lưỡng hơn, có người nhận đặt hàng đốt gà trước 1-2 tiếng, đủ thời gian để chế biến, ướp gia vị và đốt trên lò để đạt độ ngon lý tưởng.

Nước chấm là một phần quan trọng góp sự hoàn hảo cho món đặc sản này. Trong đó, không thể thiếu lá chúc và trái chúc, tạo mùi thơm hấp dẫn, chua thanh, hài hoài với nước mắm, tỏi, ớt…

Kế đến là gỏi ăn kèm, được rưới nước sốt chua ngọt vừa phải, luôn tươi giòn, dậy mùi của các loại rau thơm.

Sức hấp dẫn của món gà đốt lá chúc cũng là một trong những lý do thu hút du khách về với vùng Bảy Núi. Dù hiện nay đã thịnh hành ở khắp nơi, nhiều thực khách vẫn lựa chọn đến tại chỗ để cảm nhận vị ngon gà đốt chính hiệu theo công thức truyền thống của đồng bào Khmer.

MỸ HẠNH