Tiềm năng cá tra xuất khẩu

03/01/2023 - 07:08

Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu trở thành ngành hàng chủ lực của ĐBSCL. Diện tích nuôi toàn vùng 6.250ha (năm 2019), sản lượng đạt 1,2-1,4 triệu tấn, ngành hàng này mang về cho đất nước 2,4 triệu USD trong năm 2022, giúp 500.000 lao động có việc làm ổn định.

 

Công ty Cổ phần Nam Việt công bố xuất khẩu lô hàng cá tra nuôi bằng công nghệ cao

Ngành hàng cá tra giải quyết việc làm cho nhiều lao động

Từ khí hậu, thổ nhưỡng

Ngày nay, cá tra đã thành sản phẩm chủ lực quốc gia. Hiện có 300 doanh nghiệp (DN) tham gia ngành hàng, xuất khẩu sản phẩm đi 126 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài mặt hàng phi-lê, DN chế biến gần 80 mặt hàng, như: Cá tra cắt miếng tẩm bột, cá cuộn rong biển, cá tra phi-lê xiên que với ớt, chả đòn ba sa, chả cá ba sa viên, chạo ba sa… đáp ứng nhu cầu khách hàng mọi phân khúc. DN tham gia ngành hàng chẳng những xây dựng được hệ thống phân phối trong và ngoài nước, mà còn phát huy được lợi thế của vùng châu thổ giàu tiềm năng về nước, khí hậu, thổ nhưỡng, kể cả kinh nghiệm nuôi cá của nông dân mà rất ít quốc gia nào làm được.

“Ngày nay, khi nói đến Việt Nam, thế giới thường hay nhắc đến sản phẩm chủ lực lúa gạo và cá tra. Có thể nói, đây là thành tựu phát triển mang tính bao trùm của đất nước, DN trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Để phát huy lợi thế của ngành hàng này trong những năm tới, ĐBSCL cần tính toán chiến lược phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chia sẻ.

An Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển ngành hàng cá tra những năm đầu thập niên 80. Ban đầu, ngư dân TP. Châu Đốc bắt con cá ba sa thiên nhiên thả vào bè nuôi, cá lớn phi-lê xuất khẩu sang Úc và Hoa Kỳ. Năm 1998, cá ba sa Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ khoảng 200 tấn. Về sau, người tiêu dùng tại quốc gia này quen thuộc với sản phẩm, các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập hàng số lượng lớn. Từ đây, ngành chế biến cá tra, ba sa của Việt Nam bước sang giai đoạn mới, sản xuất quy mô công nghiệp.

Đến thị trường

Hiện nay, 4 thị trường tiêu thụ cá tra mạnh nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia Châu Á. Thị trường Trung Quốc trước đây chuyên mua sản phẩm ở phân khúc trung bình, cấp thấp, thì nay các nhà nhập khẩu của thị trường này buộc DN xuất khẩu phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế hàm lượng ẩm đến mức tối thiểu.

“Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng, vì dân số đông, lượng hàng nhập khẩu rất lớn. Thời gian gần đây, chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này được nâng lên đáng kể. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, vì vậy DN phải “làm hàng” thật chuẩn. Chúng tôi xác định, đây là cơ hội cho DN lớn trong xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này…” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới khẳng định. Ngành hàng cá tra Việt Nam còn có lợi thế so sánh ít quốc gia nào có được, đó là kỹ thuật nuôi cá. Nếu trước đây, tỷ lệ thức ăn từ 2,5-3kg cho 1kg cá tăng trọng, thì nay con số này giảm còn 1,7kg. Đây là niềm tự hào của nông dân Việt Nam.

Song cái chưa được cũng còn nhiều. Đó là sản phẩm bán trên thị trường chưa tương xứng với tầm vóc, giá trị (giá bán còn thấp). Sự biến động của thị trường thức ăn, con giống, xuất khẩu đã làm ngành hàng này phát triển chưa mang tính ổn định. Nhìn thấy được hạn chế nhất định của các khâu trong quá trình sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tạo “đột phá” cho ngành cá tra từ khâu con giống. Chương trình phát triển giống cá tra 3 cấp ra đời năm 2017, huy động nhiều DN kinh nghiệm, tên tuổi tham gia.

Đi đầu trong số đó là Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc (An Giang), Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Chương trình khắc phục được tình trạng con giống kém chất lượng (có tỷ lệ sống thấp) bằng con giống chất lượng cao, tỷ lệ thích nghi với môi trường sống ở ngưỡng vượt trội. Cùng với đó, toàn ngành đẩy mạnh khép kín quy trình nuôi, chế biến; áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó, tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của sản phẩm cá tra trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

“Tiềm năng của ngành hàng cá tra còn rất lớn. Phải tổ chức lại sản xuất theo hướng bắt đầu từ thị trường: Tiếp tục quảng bá, tiếp thị sản phẩm tại thị trường tiềm năng, nâng dần kim ngạch tại thị trường truyền thống, sắp xếp lại quá trình sản xuất từ diện tích nuôi đến con giống, chế biến phù hợp sự phát triển ổn định, bền vững” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng nêu ý kiến.

MINH HIỂN