Tiêm phòng chậm, mở cửa nhanh: Châu Á, châu Âu nguy cơ trở thành 'miếng mồi' của biến thể Delta

05/07/2021 - 16:00

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã được phát hiện ở ít nhất 98 quốc gia và đang lan nhanh tại nhiều nước, bất kể tỷ lệ tiêm chủng thấp hay cao.

Làn sóng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu đã đe dọa đến việc các chính phủ lên kế hoạch để dỡ bỏ những biện pháp hạn chế vốn làm thay đổi đời sống của người dân trong 1 năm rưỡi qua. 

Trong khi đó, số người mắc virus biến thể đang tăng nhanh tại châu Á từ Australia cho đến Malaysia, khiến các nước phải tái triển khai lệnh phong tỏa và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Một số nước như Indonesia và Malaysia đang chứng kiến số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục sau khi biến thể Delta và Delta Plus xuất hiện trên lãnh thổ của họ. 

Chú thích ảnh

Một chốt kiểm dịch tại Vùng đô thị Kuala Lumpur. Ảnh: Straits Times

Theo tờ Straits Times, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3-7 đã cảnh báo thế giới đang trong một giai đoạn rất nguy hiểm của dịch COVID-19 liên quan đến biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết biến thể Delta – được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ - bị xem là nguy hiểm vì đang tiếp tục tiến hóa và đột biến. 

Theo ông, tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, cảnh tượng bệnh viện quá tải, thiếu thốn thiết bị và vật tư y tế lại xuất hiện. Trên thực tế, chương trình tiêm chủng mở rộng tại châu Á đang diễn ra chậm chạp hơn so với khu vực châu Âu do tình trạng khan hiếm vaccine và tâm lý e ngại của người dân. 

Ông Tedros kêu gọi chính phủ các nước hãy đạt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số, bắt đầu từ lực lượng tuyến đầu và các nhóm đối tượng dễ bị virus tấn công. Quan chức này khẳng định việc đẩy nhanh tiêm chủng sẽ chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch, đồng thời cứu sống nhiều sinh mạng.

Song không phải các nước tiêm chủng hiệu quả đã được an toàn. Hàng loạt chính phủ trên thế giới đã phát đi cảnh báo về sự lây lan của biến thể Delta ngay khi họ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại cũng như mở cửa trở lại biên giới trong nỗ lực cứu vãn nền kinh tế. Cả hai yếu tố trên đều bị cho là có khả năng “đổ thêm dầu vào lửa” cho biến thể Delta lan nhanh.

Để đối phó với biến thể nguy hiểm, hai điểm nóng của khu vực Đông Nam Á hiện nay là Malaysia và Indonesia đã phải áp đặt loạt biện pháp kiển soát lây lan nghiêm ngặt hơn. 

Những lệnh giới hạn phòng chống dịch COVID-19 chặt chẽ nhất của Malaysia đã đi vào hiệu lực từ ngày 3-7 trên phần lớn thung lũng Klang Valley, trong đó có thủ đô Kuala Lumpur, nơi sinh sống của hơn 8 triệu dân.

Tuy nhiên, các hình thức kiểm soát cứng rắn từng thấy trong quá khứ như dựng rào chắn dây thép gai và triển khai quân đội để đảm bảo sự tuân thủ đã không xuất hiện. Trong ngày 4-7, Malaysia đã ghi nhận 6.045 ca mắc và 63 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người mắc lên 778.652 và người tử vong lên 5.497. 

Tại Indonesia, hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm thuộc khu vực Java và Bali đã bắt đầu giảm 1-2 lượng khách hàng vào mua sắm và đóng cửa vào 8 giờ tối, trong bối cảnh giới chức nước này áp dụng biện pháp phong tỏa một phần để khống chế sự lây lan của biến thể Delta. 

Chủng virus này là nguyên nhân khiến số người nhiễm và tử vong tại Indonesia leo thang lên mức kỷ lục kể từ khi xảy ra đại dịch đến nay. Ngày 4-7, Indonesia có thêm 27.233 ca mắc mới và 555 ca tử vong, nâng tổng số người mắc lên 2.284.084 và người tử vong lên 60.582.

Các địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm, công viên và nơi thờ tự đã bị đóng cửa, trong khi các quán ăn chỉ bán hàng mang về, không phục vụ tại chỗ. Giới chức hai hòn đảo Java và Bali – khu vực chiếm 70% số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc - cũng lập các chốt kiểm soát, triển khai khoảng 50.000 sĩ quan quân đội và cảnh sát được để thực thi các biện pháp hạn chế đi lại cho đến ngày 20-7.

Chú thích ảnh

Người hâm mộ Scotland ăn mừng sau khi đội tuyển bóng đá giành vé vào vòng loại EURO 2020. Ảnh: Straits Times

Cùng lúc đó tại châu Âu, trước tình hình Liên minh châu (EU) nới lỏng các biện pháp đi lại, giới chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện những người siêu lây nhiễm. 

Mùa du lịch cao điểm mùa hè vốn là cơ hội ăn nên làm ra cho hàng ngàn doanh nghiệp trên khắp EU, nhưng tình trạng số người mắc COVID-19 vẫn tăng cao tại đây có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh du lịch của nhiều người. 

Đó là một tình huống khó xử đối với các nhà hoạch định chính sách, những người cần phục hồi nền kinh tế song lại đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus nhanh chóng. Sau khi kỳ nghỉ hè năm ngoái bị đại dịch hủy hoại, Brussels hiện tin vào một giải pháp để ngăn chặn những du khách bị nhiễm virus lây lan sang nơi khác: hộ chiếu vaccine. 

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)