Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi được chỉ thị của cấp trên, tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà (thuộc địa bàn tỉnh An Giang ngày nay) khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, chọn mục tiêu, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã, ấp, phát động phong trào quần chúng tấn công ba mũi, chuẩn bị cơ sở bên trong sẵn sàng khởi nghĩa khi tình thế chín muồi.
Tháng 4/1975, hòa chung với các chiến dịch tiến công và nổi dậy của toàn miền Nam, Đảng bộ, quân và dân An Giang đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình, giải phóng các huyện, thị xã trên địa bàn.
Ở tỉnh Long Châu Hà, đầu tháng 4, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho các huyện, thị xã đứng lên khởi nghĩa vũ trang, tự giải phóng địa phương. Lực lượng vũ trang đánh tiêu diệt từng phân, chi khu địch, mở rộng vùng giải phóng, làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy tấn công ba mũi bao vây, bức rút, bức hàng đồn bót địch, phá tề giành chính quyền.
Trong 10 ngày đầu tháng 4, lực lượng 3 mũi của Tri Tôn, Tịnh Biên bao vây tấn công tiêu diệt đồn bót xã Lê Trì, Lương Phi, Châu Lăng, Cô Tô, Ba Chúc, Lạc Qưới, Vĩnh Gia… Cán bộ vào nội ô Long Xuyên, Châu Đốc, trực tiếp chỉ đạo phong trào, vạch kế hoạch đánh chiếm các công sở địch. Ta tuyên truyền, vận động gia đình binh sĩ kêu gọi người thân rã ngũ về với Nhân dân, xây dựng lực lượng nội tuyến trong dân vệ, phòng vệ dân sự chờ thời cơ nổi dậy.
Ngày 19/4, bộ đội tỉnh, lực lượng Huệ Đức, Châu Thành, Long Xuyên phối hợp lực lượng tại chỗ đánh diệt đồn Hai Trân, phân khu Phú Nhuận, bứt rút đồn Cản Dừa, đánh địch phản kích.
Ngày 28/4, Quân khu 9 chỉ đạo tỉnh Long Châu Hà đưa lực lượng vũ trang giải phóng Hà Tiên. Khi hành quân đến Nam Thái Sơn thì được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Tỉnh ủy quyết định chia hai cánh quân: Một cánh tiếp tục tiến về Hà Tiên; cánh thứ hai quay lại giải giáp Ba Thê, tiến về Long Xuyên phối hợp với lực lượng vũ trang Long Xuyên, cùng lực lượng trong nội ô nổi dậy.
Tại Long Xuyên, trưa ngày 30/4, cả thị xã bao trùm bầu không khí hỗn loạn. Chiều ngày 30/4, Tỉnh trưởng chạy mất. Tỉnh đoàn trưởng bảo an và Tổng đoàn trưởng Bảo an quân Hòa Hảo đưa lực lượng chiếm giữ dinh Tỉnh trưởng và một số cơ quan, chốt chặn các ngã ra vào, ra lệnh giới nghiêm, kêu gọi “tử thủ”.
Lực lượng cách mạng nội ô đã nhanh chóng chiếm giữ, bảo vệ các nơi quan trọng như: Đài Viễn thông, Ty Ngân khố, Ty Điền địa... không cho Bảo an quân Hòa Hảo cướp phá. Các xã vùng ven phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền cơ sở. Đến 16 giờ ngày 1/5, đại đội chủ lực của Trung đoàn 101 từ Cần Thơ chi viện, kết hợp lực lượng của tỉnh và thị xã giải phóng hoàn toàn Long Xuyên vào lúc 18 giờ 30 phút.

Tại Châu Đốc, từ sáng ngày 30/4, số tàn quân địch chạy về ngày càng nhiều. Chỉ huy Bảo an quân Hòa Hảo tuyên bố “tử thủ”, ép Tỉnh trưởng giao chính quyền. Chớp thời cơ, bộ phận lãnh đạo nội ô quyết định phát động khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ. Sáng 1/5, lực lượng cách mạng chiếm các công sở. Ngày 1/5, lực lượng thị xã bên ngoài vào phối hợp giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ vào 8 giờ 30 phút.
Đến chiều 2/5, các huyện thuộc tỉnh Long Châu Hà đã được hoàn toàn giải phóng: Châu Đốc vào 8 giờ 30 phút ngày 1/5; Tri Tôn vào 9 giờ ngày 1/5; Tịnh Biên trong sáng ngày 1/5; Châu Thành vào 16 giờ ngày 1/5; Long Xuyên vào 18 giờ 30 phút ngày 1/5; Châu Phú trong ngày 3/5.
Ở tỉnh Long Châu Tiền, từ ngày 18/4 đã đưa bộ đội tỉnh giải phóng các xã vùng ven hậu Thanh Bình, bao vây chi khu, khống chế lộ 30. Trưa 30/4, chiếm chi khu Hồng Ngự. Sáng 1/5, giải phóng hoàn toàn Tân Châu.
Tại Phú Tân, từ trưa ngày 30/4, số phản động, ngoan cố cùng với Bảo an quân Hòa Hảo lập các phòng tuyến “tử thủ”, ra Thông cáo số 1, tự tuyên bố tỉnh Châu Đốc và An Giang thuộc quyền quản lý của chúng và đang có “200.000 Bảo an quân tử thủ”. Trước tình hình đó, lực lượng cách mạng tại chỗ vừa phát động quần chúng giành quyền làm chủ, vừa cho người với tư cách là sĩ quan liên lạc vào gặp chức sắc ở Tổ Đình. Đồng thời, cho người đi đón lực lượng vũ trang về tăng thêm áp lực quân sự, hỗ trợ phong trào quần chúng. Từ ngày 1/5 đến chiều 2/5, bọn phản động, ngoan cố lần lượt ra thông cáo từ số 2 đến số 6 rút dần yêu cầu từ hai tỉnh xuống còn ba huyện Tân Châu, Châu Phú, Chợ Mới; rồi xin giữ lại một đại đội Bảo an quân; cuối cùng, phải tuyên bố giải tán Bảo an quân, chấp thuận thương lượng với ta. Sáng 3/5, ta tiếp quản trụ sở “Trung ương Giáo hội” của Lương Trọng Tường, sào huyệt phản kháng của bọn phản động với rất nhiều vũ khí chôn giấu. Tàn quân Bảo an ở Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hưng Nhơn lần lượt đầu hàng. Phú Tân được hoàn toàn giải phóng trong ngày 3/5.
Tại Chợ Mới, từ sáng 30/4, một số sĩ quan cấp cao và các phần tử phản động trong các tổ chức chính trị, tôn giáo khu vực ĐBSCL, cùng với binh lính, tề địch tại chỗ tụ tập tại Tây An Cổ Tự vạch kế hoạch chiếm giữ cứ điểm các tỉnh miền Tây. Từ chiều 30/4 đến ngày 2/5, bộ đội từ hướng Mỹ An Hưng lần lượt đánh tan các tuyến phòng ngự của địch ở Hội An, Hòa Bình, An Thạnh Trung, chiếm chi khu Chợ Mới.
Chiều 3/5, lực lượng Quân khu 8 chi viện lần lượt đánh chiếm tuyến Long Điền - Bà Vệ, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Ngày 4/5, hàng ngàn Bảo an quân Hòa Hảo ra hàng, nhưng vẫn còn trên 3.000 tên bị bọn đầu sỏ khống chế vẫn tiếp tục “tử thủ”. Lực lượng giải phóng bao vây, tấn công các hướng vào địch ở Tây An Cổ Tự; vận động thân nhân Bảo an quân kêu gọi con em trở về nhà. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, 8 giờ sáng ngày 6/5, toàn bộ số quân còn lại kéo cờ trắng ra hàng, huyện Chợ Mới hoàn toàn giải phóng.
Cuộc tiến công và nổi dậy kết thúc thắng lợi. Địa bàn An Giang hoàn toàn được giải phóng.

Thắng lợi của tiến công và nổi dậy giải phóng An Giang là thành tựu của cuộc kháng chiến trường kỳ của Đảng bộ, quân và dân An Giang. Qua kháng chiến trường kỳ và thắng lợi, chúng ta có thể đúc rút ra những bài học chủ yếu sau:
Bài học về sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ trong quá trình lãnh đạo cách mạng, qua những chủ trương, biện pháp sát hợp với tình hình thực tế của địa phương, là nhân tố quyết định đưa phong trào cách mạng An Giang phát triển liên tục, vững vàng vượt qua những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất.
Kháng chiến thắng lợi ở An Giang bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ. Vấn đề bạo lực cách mạng được Đảng bộ quán triệt một cách sâu sắc nên ngay từ đầu cuộc kháng chiến, trong lúc lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Gienève, đòi dân sinh, dân chủ, An Giang vẫn duy trì lực lượng để làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị cho nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Có thể nói các hoạt động vũ trang gần như diễn ra liên tục bằng nhiều hình thức vừa bảo vệ cơ sở, căn cứ cách mạng, đường hành lang biên giới vừa tác dụng động viên, hỗ trợ phong trào chính trị của quần chúng.
Đặc điểm lớn nhất của chiến trường An Giang là vùng nông thôn tôn giáo rất khó khăn, phức tạp, Đảng bộ đã nắm vững quan điểm quần chúng, đề ra những chủ trương, biện pháp, nhất là về công tác vận động tôn giáo, dân tộc một cách chủ động, linh hoạt phù hợp với đặc điểm phức tạp của địa bàn, xây dựng được khối đoàn kết toàn dân chống Mỹ - ngụy.
Bài học về ý chí tự lực, tự cường, biết dựa vào dân và sự chuẩn bị chu đáo cả thế và lực tại chỗ, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ hành lang chiến lược nối liền Khu 9 với Trung ương.
Địa bàn An Giang có vị trí đặc biệt ở vùng biên giới Tây Nam nối liền Khu 8 và Khu 9. Đảng bộ đã phát huy được ý chí tự lực, tự cường, dựa vào dân, chủ động chuẩn bị lực lượng tại chỗ kháng chiến.
Đảng bộ quan tâm, chỉ đạo xây dựng nhiều căn cứ dọc biên giới, phát triển thành một hệ thống liên hoàn như B1 (Phú Hữu), B3 (Khánh Bình), B2 (Cả Hàng) tồn tại trong suốt thời kỳ chống Mỹ. Duy trì mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc hai bên biên giới Việt Nam, Campuchia. Vùng Pẹc Chạy, Bắc Nam, Mương Vú... trở thành hậu phương trực tiếp cho lực lượng cách mạng An Giang trong những lúc khó khăn, ác liệt.
Một điều đáng tự hào là trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, lực lượng cách mạng An Giang vẫn cố gắng bảo vệ đường hành lang chiến lược biên giới thông suốt, làm tròn vai trò đầu cầu chiến lược cuối cùng của hệ thống đường Hồ Chí Minh, nối liền sự chi viện của Trung ương cho miền Tây trong những tháng năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Bài học về lòng yêu nước của đồng bào, đồng chí, chiến sỹ chấp nhận hy sinh, tù đày, gian khổ, kiên cường giữ đất, bám dân, quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc.
Do địa bàn kháng chiến nhiều lần thay đổi, nên cán bộ, chiến sĩ của An Giang hầu như có mặt khắp một vùng rộng lớn, từ Đồng Tháp Mười mênh mông đến Kiên Lương, Hà Tiên sóng biển; từ vùng địch hậu Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú... đến biên giới, Takeo, Kandal đầy bất trắc.
Bên cạnh những người trực tiếp cầm súng đánh địch, còn biết bao con người với những công việc âm thầm, lặng lẽ nhưng cũng đầy gian khổ, hy sinh. Đó là bước chân vững chắc, đôi vai mạnh mẽ của người giao liên, vận tải, có lúc một mình, một súng chiến đấu với kẻ thù, chấp nhận hy mất tích... Đó là những cán bộ, chiến sĩ dân, quân, chính, Đảng, chiến sĩ công trường, chiến sĩ quân y, chiến sĩ nội tuyến, binh vận, du kích xã, ấp… kiên cường bám trụ sống chết bảo vệ quê hương.
Để có ngày toàn thắng, còn phải kể bao công sức của các tầng lớp nhân dân An Giang đã đổ ra với tinh thần sẳn sàng hy sinh tính mạng, tài sản của mình trong quá trình nuôi chứa, che giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, đồng thời đấu tranh trực diện với kẻ thù... Biết bao người mẹ, người chị, người cha âm thầm hy sinh cả cuộc đời mình cho đàn con, đàn em tứ xứ vẫn không nghĩ gì đến sự đáp đền.
Những công lao, xương máu ấy đã để lại cho những địa phương, đơn vị, những con người anh hùng cho thế hệ nối tiếp mãi mãi tự hào, và lòng biết ơn vô hạn vì sự cống hiến tính mạng, thân thể, tuổi xuân, tài sản... của biết bao đồng bào, đồng chí cho quê hương được hoàn toàn giải phóng, cho non sông nối liền một dãy.
Trong suốt 50 năm qua kể từ ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang đã phát huy những giá trị truyền thống hào hùng, những bài học kinh nghiệm quý giá, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng toàn diện kinh tế - chính trị, văn hoá- xã hội, xây dựng quê hương Bác Tôn hôm nay ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đảng, Nhà nước ghi nhận những thành tựu đáng tự hào trong kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới, đã phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, quân và Nhân dân tỉnh An Giang.
Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, trước kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, bên cạnh các động lực kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ thì truyền thống cách mạng vẫn là một động lực tinh thần rất quan trọng. Phát huy những bài học quí giá làm nên thắng lợi của tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh An Giang, nhất là trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay và bước vào kỷ nguyên mới, sự chủ động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, biết dựa vào dân của Đảng bộ và lòng yêu nước của đồng bào, đồng chí sẽ là động lực mạnh mẽ giúp cho An Giang vững bước tiến trong kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tài liệu tham khảo:
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang. (2002). Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang tập I (1927 - 1945). Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang. (2007). Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang tập II (1954 - 1975). Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.
- GS.TS Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2024). Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie.
ThS Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng