Tiếp nối truyền thống hào hùng

11/06/2019 - 07:37

 - Có một sự trùng hợp là kỷ niệm 70 năm chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông (10-6-1949 _ 10-6-2019) lại trùng với lễ giỗ lần thứ 11 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (8-5-2008 _ 8-5-2019 âm lịch). Huyện Tri Tôn trang trọng tổ chức kết hợp 2 hoạt động kỷ niệm vào sáng 10-6 nhằm tri ân, tiếp nối truyền thống hào hùng.

Lễ giỗ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được tổ chức trang trọng sáng 10-6

Tự hào vùng đất Tri Tôn

Mặc cho cơn mưa lất phất, từ sáng sớm 10-6, rất đông đại biểu cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh An Giang, các huyện giáp ranh như: Giang Thành, Hòn Đất (Kiên Giang), 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn có mặt đầy đủ, thành kính dâng lên những nén hương tri ân tại Bia chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông (ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới). Đây được xem là biểu tượng chiến thắng của quân - dân An Giang trong kháng chiến chống Pháp. “Sau 3 trận thắng liên tục trong 7 ngày (từ ngày 3 đến 10-6-1949), ta đã tiêu diệt gần 300 tên lính Âu Phi, thu trên 200 súng các loại, bẻ gãy âm mưu của địch lấn chiếm vùng Bảy Núi và khóa cửa giao thông qua lại biên giới; giữ vững vùng giải phóng. Chiến thắng vang dội của trận cầu sắt Vĩnh Thông làm nức lòng quân - dân tỉnh nhà và đã đi vào lịch sử oanh liệt của An Giang. Bài hát “Vĩnh Thông bất diệt” được làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đánh giá.

Ông Liêm cho biết, viết tiếp trang sử oai hùng của chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông, quân, dân Tri Tôn - Bảy Núi tiếp tục kiên cường, anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến thắng 128 ngày đêm đồi Tức Dụp (17-11-1968 đến 24-3-1969) góp phần củng cố niềm tin, dẫn đến thắng lợi sau cùng. “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông năm nay, Đảng bộ huyện Tri Tôn đã chủ trương mở rộng nhà bia tưởng niệm và cho phục chế lại cầu sắt Vĩnh Thông oai hùng. Đó là cách để mãi mãi ghi nhớ lịch sử, nhắc nhở thế hệ hôm nay phải luôn tự hào và xứng đáng với truyền thống đấu tranh của ông cha ta” - ông Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Mãi ghi ơn người Thủ tướng gần dân

Tại công viên văn hóa Võ Văn Kiệt (cặp UBND xã Lạc Quới), nơi ghi dấu ấn của vị cố Thủ tướng từng băng đồng, lội ruộng, lắng nghe nhân dân để đưa ra quyết sách táo bạo, từ sáng sớm 10-6, không khí đã rộn ràng. Mỗi đoàn đại biểu khối ngành cấp huyện, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi xã, thị trấn của huyện đều mang theo mâm sản vật địa phương dâng cúng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tuy là những món ăn bình dị nhưng chứa đựng tấm lòng tri ân người lãnh đạo có công đánh thức tiềm năng vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), chuyển hàng trăm ngàn ha đất hoang hóa, nhiễm phèn, nhiễm mặn trở thành vùng đất trù phú, giúp nhân dân có cuộc sống ấm no. “Thị trấn Ba Chúc mang dâng cúng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt món bánh phồng khoai mì đặc sản và món cá mè vinh kho mía mềm xương. Những món dân dã này có lẽ bác Sáu Dân sẽ thích vì đã từng gắn bó với vùng đất Tri Tôn từ thời buổi khó khăn” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc Phạm Minh Hiền chia sẻ.

“Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông năm nay trùng với ngày giỗ lần thứ 11 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngày 8-5 âm lịch, năm Mậu Tý 2008), người của lịch sử trong thời kỳ đổi mới, vị Thủ tướng của nhân dân. Việc tổ chức lễ giỗ tại công viên văn hóa Võ Văn Kiệt (cặp UBND xã Lạc Quới) nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của cố Thủ tướng” - ông Cao Quang Liêm thông tin.

Lễ giỗ được tổ chức trang trọng tại đầu kinh Võ Văn Kiệt (kinh T5 trước đây). Còn nhớ, ngày 22-4-1997 đã đi vào lịch sử khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công kinh T5 - Tuần Thống, nằm trên địa phận 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, là nơi khởi đầu công trình thoát lũ ra biển Tây, đánh thức tiềm năng vùng TGLX, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn lao cho vùng đất này. “Chỉ riêng các trục kinh Vĩnh Tế - T5 - Tuần Thống đã đẩy lũ, rửa phèn của rốn TGLX. Qua đó, biến đổi một vùng đất phèn nặng, một thời cơ cực trở thành vùng đất trù phú sản xuất 2 - 3 vụ, nhiều xã mới hình thành như: Lương An Trà, Vĩnh Phước… dân nhiều nơi về đây lập nên cơ nghiệp. Đây là công trình với tinh thần thi công khẩn trương, quyết liệt, thể hiện thái độ quyết tâm của cố Thủ tướng, một dấu son ông để lại cho nhân dân và vùng đất An Giang. Người dân biết ơn thân ái gọi là “kinh ông Kiệt” hay “kinh ông Sáu”. Ngày 10-7-2009, tại kỳ họp HĐND tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kinh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm ở đầu tuyến kinh (vị trí công viên Võ Văn Kiệt hiện nay). Công trình là lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đối với cố Thủ tướng” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm khẳng định.

Trong bài thơ “Thủ tướng của nhân dân”, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Nhị viết: “Lo cứ là lo bạc mái đầu/ Mà lòng nào được có yên đâu/ Nên lòng dân nặng hơn non nước/ Tên Anh đồng nghĩa chữ Đồng Bào. Vẫn là Thủ tướng của nhân dân/ Vẫn là anh Sáu của mọi nhà/ Lồng lộng bóng soi miền sông nước/ Đời nặng ân tình, đất nặng chân”.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN