Tiếp tục chăm lo toàn diện cho người có công

05/10/2023 - 07:50

 - Người có công đã đóng góp rất lớn về vật chất, tinh thần, lẫn tính mạng, sức khỏe của mình trong quá trình hoạt động cách mạng. Thay lời tri ân, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hướng về người có công. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề mới, cần được giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý cho nhóm đối tượng chính sách đặc biệt này.

Tri ân, chăm lo người có công

Toàn tỉnh có trên 40.000 người có công với cách mạng, thân nhân người có công đang được quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi. Trong đó, gần 10.000 hồ sơ liệt sĩ, trên 750 Mẹ Việt Nam anh hùng, 6.000 thương binh, bệnh binh, trên 500 người được công nhận hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người được xác nhận hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; hơn 3.200 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, trên 16.000 người có công giúp đỡ cách mạng...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, toàn tỉnh thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng, 1 lần và các chế độ liên quan cho trên 97.000 lượt người có công và thân nhân, người thờ cúng liệt sĩ (gần 250 tỷ đồng/năm); nâng cấp, sửa chữa, xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ (15 tỷ đồng); hỗ trợ xây mới, sửa chữa 100 căn nhà Tình nghĩa cho người có công đang gặp khó khăn về nhà ở...

Đặc biệt, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 41/2022/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022, quy định mức chi hỗ trợ chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung đối với người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh. Người có công, gia đình chính sách còn được lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, Tết; được chăm lo sức khỏe, tinh thần bằng nhiều hình thức. Điều đó tạo nên điểm nhấn nghĩa tình về tấm lòng tri ân của xã hội đối với người có công.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trăn trở, đề xuất, kiến nghị chăm lo cho người có công. Điển hình như, một số ý kiến đề nghị: Chế độ, chính sách đối với người có công cần cấp trước lễ 30/4 - 1/5 hàng năm, để họ có khoản tài chính tổ chức sum họp với gia đình vào dịp nghỉ lễ. Trước đó, Nghị định 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức, trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Khoản 3, Điều 13 quy định “Chi tiền ăn thêm ngày lễ, Tết đối với thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên: Mức chi 200.000 đồng/người/ngày; số ngày được chi ăn thêm là ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định của Bộ luật Lao động, ngày 27/7 và ngày 22/12 hàng năm”. Theo đó, nhóm đối tượng chính sách này được hưởng thêm tiền ăn 13 ngày.

“Quý IV hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ danh sách đề nghị của cấp huyện, tiến hành cấp 1 lần khoản tiền ăn thêm nêu trên, nhằm thuận tiện trong việc đi lại của thương binh, bệnh binh theo số ngày thực tế mà người có công được hưởng. Hiện tại, việc cử tri đề nghị được hưởng vào đúng ngày lễ, Tết để có kinh phí tổ chức sum họp trong ngày nghỉ là chính đáng. Ngành chuyên môn sẽ tiếp thu đề nghị, điều chỉnh việc chi hỗ trợ tiền ăn thêm cho phù hợp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.

Làm tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Bà Nguyễn Thị Hậu (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến người có công, gia đình chính sách. Tuy nhiên, quan tâm về vật chất chưa đủ, mà cần phải quan tâm thêm về mặt tinh thần. Đặc biệt, phải chú trọng hơn nữa việc rà soát, hỗ trợ đổi, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công, bằng khen, huân chương, huy chương… đã thất lạc hoặc hư hỏng. Theo tôi nghĩ, chuyện này không khó, chỉ cần trích lục lại hồ sơ cũ là được. Nhưng trên thực tế, có trường hợp chờ đợi rất lâu vẫn chưa được giải quyết”.

Từ ý kiến của bà Hậu tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: “Thống nhất đất nước gần nửa thế kỷ, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, xã hội luôn quan tâm đến người có công về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng hiện nay, không phải gia đình nào cũng có cuộc sống tốt đẹp như mong muốn, như sự đóng góp công sức, xương máu, tình cảm, trách nhiệm của họ đối với đất nước. Đây là điều chúng ta phải trăn trở, tìm cách hỗ trợ chăm lo cho họ. Đề nghị chính quyền địa phương lãnh, chỉ đạo tập trung rà soát lại trường hợp người có công đề nghị đổi, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công, huân chương, huy chương… gửi về Ban Thi đua khen thưởng tỉnh theo quy định”.

Phó Chủ tịch nước lưu ý thêm, các địa phương phải quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng người có công, nhất là chế độ về nhà ở, chăm sóc sức khỏe, việc làm, học tập của con cháu gia đình người có công với cách mạng. “Chúng ta cần làm song song 2 việc. Thứ nhất là phát huy vai trò người có công trong thời bình. Thứ hai là chăm lo cho người có công, tạo điều kiện để họ vươn lên, có đời sống bằng mức trung bình trở lên so dân cư khu vực đó. Có thể chọn dấu mốc kỷ niệm 50 năm Ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) để hoàn thành các chỉ tiêu, như: Không còn người có công nào phải ở nhà tạm bợ, dột nát, đời sống quá khó khăn. Cùng với đó, động viên, khuyến khích bản thân người có công phát huy ý chí kiên cường, nỗ lực vươn lên, không trông chờ vào chính sách của Đảng, Nhà nước; sản xuất - kinh doanh giỏi, giúp đỡ đồng đội của mình, trở thành tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng dân cư; tháo gỡ sớm những tâm tư, băn khoăn, vướng mắc của họ”- Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.

GIA KHÁNH