Đại biểu Trần Thị Thanh Hương phát biểu ý kiến
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận 7 vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra, đặc biệt về Hội đồng Quản lý quỹ BHXH, về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quản lý, thu quỹ BHXH, thẩm quyền của cơ quan BHXH, điều kiện, thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, quy định hưởng BHXH 1 lần, xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, cùng các vấn đề khác ĐBQH quan tâm.
Phát biểu ý kiến tại hội trường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cho rằng, BHXH là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi cho người lao động. Để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo luật, cần quan tâm đến đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Đồng thời, thống nhất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đề xuất, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW.
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương cho rằng, vấn đề cần quan tâm là nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng như nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nhóm người làm việc không trọn thời gian, nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã… đều có thu nhập thấp. Chính vì vậy, đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hơn tác động của các chính sách liên quan về bảo hiểm y tế, BHXH 1 lần, xác định rõ chủ thể sử dụng lao động, việc bảo đảm kinh phí để đóng BHXH… Để qua đó, các chính sách thực sự khả thi, thuận tiện cho quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
GIA KHÁNH