Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định

12/11/2023 - 10:45

Tiểu chủng viện Làng Sông như một bức tranh tĩnh lặng, cổ kính nằm ngoài mọi ồn ào, xô bồ của cuộc sống nhuốm màu trần tục…

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 1

Nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn hơn 10 km, đi qua một đoạn đường vòng vèo ngập tràn hương vị của những luống cày, Tiểu chủng viện Làng Sông (thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) hiển hiện với nét cổ kính giữa những tán cây sao hàng trăm năm tuổi đang hát bài thánh ca trong gió sớm.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 2

Công trình được xây theo kiến trúc Pháp hoa lệ, uy nghi, trầm mặc giữa các thôn làng dân dã, bình dị. Bên cạnh là dòng sông với những cánh đồng bao la, xanh mát tạo nên một vẻ vừa cổ kính vừa thanh bình đến kỳ lạ.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 3

Cái tên Làng Sông được đặt do công trình được xây dựng trên gò đất cao, bao quanh là đồng ruộng mênh mông và những hồ nước trong vắt. Theo tài liệu ghi chép, Tiểu chủng viện Làng Sông có diện tích khoảng 2.000 m2, được xây dựng khoảng những năm 1841 - 1850, ban đầu chỉ là nhà mái tranh, vách phên tre. Kiến trúc của Tiểu chủng viện Làng Sông còn đến ngày nay được khánh thành vào năm 1927.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 4

Công trình chính của Tiểu chủng viện gồm Nhà nguyện ở chính giữa, đối xứng với nhà nguyện là hai dãy nhà lầu là nơi làm việc, học tập của các tu sĩ. Nhà nguyện xây theo nét kiến trúc Gothic. Có 3 cửa tiền quay mặt về phía Nam và 8 cửa Đông, 8 cửa Tây được chạm trổ rất công phu gồm những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí và những hoa văn họa tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc Thánh đường.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 5

Sau gần một thế kỷ, mặt tiền của Nhà nguyện vẫn như xưa, chỉ khác là có thêm bức tượng đặt trang trọng chính giữa.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 6

Mang nét trầm mặc, kiến trúc cổ, Tiểu chủng viện Làng Sông khiến khách du lịch như bị thôi miên giữa bầu không khí tĩnh lặng đến mức có thể cảm nhận âm thanh từng bước chân hay tiếng thở nhẹ của người bạn đồng hành bên cạnh.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 7

Bên trong hai tòa nhà được xây thêm để phục việc giảng dạy các tu sĩ và là nơi ở cho tu sinh, với kiến trúc đậm chất Pháp, tường sơn vàng, hành lang sâu hun hút tựa như những lâu đài trong cổ tích.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 8

Theo tài liệu ghi chép, để trở thành nữ tu ở đây, người nộp đơn phải học hết cấp 2, tuổi đời không quá 35, chưa từng lập gia đình và hoàn toàn không vì một sức ép nào của cuộc sống mà xin vào Tiểu chủng viện.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 9

Khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông từng tồn tại một nhà in có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ, góp công rất lớn cho việc phôi thai và truyền bá chữ Quốc ngữ thuở ban đầu.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 10

Trong năm 1922, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng báo Lời thăm mỗi tháng 2 số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Quy Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3,407 triệu trang in.

Tiểu chủng viện Làng Sông: Nét chấm phá trầm mặc tại Bình Định - 11

Dù đã trải qua bao thăng trầm thời gian, bao biến cố của lịch sử, các tòa nhà vẫn lộng lẫy tinh tươm cùng với các chi tiết ở mặt chính các tòa nhà vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu, cái mà hiếm di tích cổ nào làm được.

Theo NGUYỄN GIA - DŨNG NHÂN (VTC News)