Tìm cây thiên tuế cổ thụ

03/05/2024 - 06:05

 - Ngày trước, cây thiên tuế được giới chơi kiểng lên núi săn tìm ráo riết, tưởng chừng bị tuyệt chủng. Thế nhưng, loài cây thân gỗ này vẫn tái sinh khá nhiều ở một số ngọn núi trong dãy Thất Sơn.

Tuổi thọ hàng trăm năm

Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cao hơn 600m, khí hậu mát dịu, đồi đá hoang sơ. Nhiều nơi vách núi cheo leo, hiểm trở rất khó đi, là địa hình lý tưởng để cây thiên tuế sinh trưởng, trường tồn theo thời gian.

Hôm tìm đàn khỉ, voọc trên điện Hòa Thượng, chúng tôi vào khu rừng già trông rất hoang sơ. Bên dưới rất nhiều bụi tổ họa, tổ rồng mọc đầy trên vách đá, cây cổ thụ. Hai loại cây rừng này hiện nay cũng được giới chơi lan “săn” trồng chơi kiểng trước nhà. Cạnh đó là những cây thiên tuế già đang cho trái.

Dưới triền núi, cây thiên tuế có hình dáng cong queo như thân dừa, vươn mình trong nắng. Nhờ vậy mà loài thân gỗ này “thoát” khỏi sự săn lùng của những tay chơi kiểng. Men theo đường lên chùa Vân Long, còn nhiều cây thiên tuế “cụ” được chủ vườn bảo tồn.

Gốc cây thiên tuế cổ thụ to hơn gốc dừa

Lên chùa Phước Sơn một đoạn, trước nhà sơn dân là những cây thiên tuế cổ thụ do bà con trồng làm kiểng. Đặc biệt, phía trước chùa Phước Sơn có cây thiên tuế cao hơn 2m, bề hoành khoảng 1,5m, đang trổ 3 buồng trái. Thật lạ, cây thiên tuế này còn trổ trái thường xuyên dưới gốc cây, thu hút khách xa gần ngắm nhìn.

Theo người dân, cây tồn tại trên 100 năm. Hiện nay, mọi người bảo vệ, không cho bất cứ ai đốn hoặc bứng hạ mang về trồng. Có thời gian cây thiên tuế được giới chơi kiểng “thổi” giá lên cao, do truyền tai nhau loài thân gỗ này mang lại tài lộc cho gia chủ. Vậy mà, cây thiên tuế này vẫn được bảo vệ, lớn dần theo năm tháng.

Đi qua bên kia khoảng 2km là vồ Hội, loài cây thiên tuế được bà con trồng trước nhà vừa bảo tồn, vừa chơi kiểng khá nhiều. Ghé thăm nhà ông Thành (59 tuổi), xung quanh vườn trồng rất nhiều cây thiên tuế cổ thụ. Có một cây thiên tuế cổ thụ trổ nhiều đọt, trông rất độc lạ. Mỗi lần du khách lên vồ Hội, họ đều đến đây chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm.

Cây thiên tuế to trên vồ Hội

Thấy chúng tôi dùng tay ướm thử vào gốc cây, ông cười khục khặc: “Cây này trên núi Tô, người dân trồng trước nhà khá nhiều. Cách đây 20 năm, cây thiên tuế có giá trị cao, được giới chơi kiểng dưới đồng bằng lên núi bứng về trồng. Hồi đó, tưởng thiên tuế trên núi tuyệt chủng. Hàng năm, cây thiên tuế già rụng trái trôi theo dòng suối, rồi mọc gần các tảng đá. Sau đó, được bà con trồng quanh nhà. Hồi trước, ông già tôi bứng cây thiên tuế về trồng, nhiều cây có tuổi thọ hơn 100 năm. Đến nay, tôi vẫn giữ lại làm kỷ niệm”.

Bà Chín Luận (89 tuổi, một trong những người có mặt sớm nhất trên núi Tô) chứng kiến biết bao đổi thay của núi rừng. Xa xưa, trên núi còn hoang sơ, cây rừng thâm u, thiên tuế mọc đầy theo tảng đá. “Ngày trước, người dân trên núi không biết cây này có giá trị, đến khi nhiều người ở đồng bằng lên tìm kiếm. Có thời gian, ai nấy vô rừng tìm kiếm cây có hình dáng đẹp để bán cho người chơi kiểng. Bây giờ, cây thiên tuế mọc ngoài rừng rất nhiều. Có cây to đến 3 - 4 người ôm mới giáp, mỗi năm cho hàng trăm trái” - bà Chín Luận kể.

Lên vồ Thiên Tuế tìm cây thiên tuế

Thuở trước, các bậc tiền nhân đến vồ Thiên Tuế “khai sơn phá thạch”, dựng am, cốc tu hành. Nơi đây hiện hữu nhiều cây thiên tuế cổ thụ nên họ đặt tên là vồ Thiên Tuế, một địa danh nổi tiếng bậc nhất núi Cấm (TX. Tịnh Biên). Nếu như hơn 20 năm trước, ở vồ Thiên Tuế còn thấy cây thiên tuế mọc rất nhiều thì nay hiếm thấy loài cây này. Tương lai, địa danh từng tồn tại cây thiên tuế cổ thụ sẽ không còn cây nào do bị đốn hạ. Rảo một vòng, tìm mỏi mắt mới thấy được vài ba cây còn sót lại.

Du khách ngắm cây thiên tuế trên núi Cấm

Thi thoảng, gặp những gốc thiên tuế nằm trơ trọi giữa các hòn đá to. Có lẽ do người ta sưu tầm làm kiểng, thấy không ưng bụng  nên bỏ lại. Theo người dân, thời hoang vắng, vồ Thiên Tuế hiện hữu hàng vạn cây thiên tuế rừng. Có cây cao hơn 2m, tán xum xuê, thân uốn lượn như hình rồng, trông rất đẹp. Sau đó, phong trào chơi kiểng thiên tuế trở nên thịnh hành, người ta kéo nhau lên rừng lùng sục, đào bới, làm cho quần thể thiên tuế bị tàn phá nhanh chóng.

Các vị cao niên trên núi kể rằng, vài chục năm trước, xung quanh khu vực này mọc toàn thiên tuế và tre rừng. Mặc dù sinh trưởng trên vùng núi cao, cây thiên tuế có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt. Nhiều cây bị đốn bỏ lăn lóc theo tảng đá, mùa khô thiếu nước vậy mà vẫn sống. Ông Mỹ, một người chuyên đi rừng nói: "Thật lạ, trên núi Cấm duy chỉ có vồ này là mọc nhiều thiên tuế, còn những nơi khác hầu như hiếm gặp. Hiện tại, khu vực này còn sót hơn chục cây, nằm dưới triền núi hiểm trở. Vồ Mồ Côi trên núi Cấm cũng còn sót lại vài cây tuổi đời trăm năm. Do nơi đây hoang vắng, vách đá cheo leo, ít người lui tới nên thiên tuế vẫn còn tồn tại. Cây thiên tuế đang được ngành kiểm lâm bảo tồn. Do đó, người dân trên núi không dám chặt hạ, bứng tùy tiện”.

Hiện nay, trái thiên tuế được bà con bày bán men theo đường mòn lên núi cho du khách. Đây được xem là loại trái khá quý, có thể trị được một số chứng bệnh thông thường. Ông Thành, một thầy thuốc ở vồ ông Bướm cho biết, trái có tác dụng trị ghẻ, ngứa, bướu cổ. Một cây thiên tuế rừng sinh trưởng hơn 10 năm sẽ cho trái. Quá trình trổ bông đến thu hoạch trái chín phải mất ít nhất 1 năm. Đến mùa thu hoạch, khi người dân khai thác mà không bảo tồn thì cây sẽ chết.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang Huỳnh Hữu Thiện cho hay, cây thiên tuế cổ thụ sinh trưởng phân bố rải rác ở vùng Bảy Núi. Theo thống kê, đỉnh núi Tô còn nhiều cây trên 100 năm, cá biệt có cây bề hoành trên 2m, cao hơn 2m. Trước đây, phong trào chơi kiểng phát triển mạnh, cây thiên tuế bị bứng nhiều. Bây giờ, loại cây đặc hữu này ít ai chú ý tới nên được tái sinh trong tự nhiên.

HOÀNG MỸ