Tìm giải pháp gỡ khó cho đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số
06/06/2023 - 19:05
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc góp phần hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... là những vấn đề được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh trả lời chất vấn chiều 6/6.
AA
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo
Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) về việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho biết: Qua nghiên cứu tài liệu của các bộ ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố. Tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên.
Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại.
Về dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết đang gặp vướng mắc do chưa có văn bản quy định về định mức hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt. Vừa qua, UBDT đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 04 quy định về định mức nhà ở, đất ở. Như vậy đã có định mức cơ sở để các địa phương triển khai.
Tuy nhiên, còn vướng mắc do nguồn hỗ trợ dự án này là nguồn đầu tư công, mà theo Luật Đầu tư công, mỗi dự án đều theo quy trình xây dựng cơ bản rất phức tạp. Qua nghiên cứu, rà soát, hiện Nghị định 27 đã được sửa đổi, cho cơ chế được áp dụng cấp phát cho bà con nhân dân, vì những dự án này là đầu tư trực tiếp từng hộ gia đình, không phải cộng đồng dân cư, thôn bản, nên không thể lập dự án chung. Như vậy, hai vấn đề vướng mắc trong dự án này đã được giải quyết xong.
Trả lời đại biểu Quốc hội về dự án hỗ trợ sản xuất dược liệu quý, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc này đã giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, Bộ Y tế đã có Thông tư số 10 để hướng dẫn thực hiện dự án này.
Tuy nhiên, Thông tư này cũng có vướng mắc về quy định liên quan đến diện tích, danh mục cây dược liệu quý. Hiện Bộ Y tế đang sửa Thông tư 10 theo hướng tháo gỡ những vướng mắc này, sẽ ban hành trong tháng 6. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, cần sửa Luật Lâm nghiệp, vì vùng trồng dược liệu quý chủ yếu nằm dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, mà theo Luật Lâm nghiệp thì khu vực này không phát triển kinh tế, không làm sinh kế, nên gây ra vướng mắc.
Ba lý do đồng bào dân tộc di cư
Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái), đặt vấn đề hiện có nhiều chính sách định canh định cư nhưng nhiều người dân đồng bào dân tộc Mông vẫn đi nơi khác phát nương làm rẫy, mang theo cả gia đình, con cái sinh sống tại các nhà chòi, nhà tạm, sinh hoạt khó khăn và điều kiện giáo dục cho con cái không được đảm bảo.
“Bộ trưởng có giải pháp nào trong thời gian tới để người dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, và việc chồng lấn đất đai do di dân hiện nay?”, đại biểu Khanh Thị Mào đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, đại biểu đặt câu hỏi về một dân tộc cụ thể nhưng qua quá trình đánh giá và khảo sát, UBDT nhận thấy đồng bào di cư không theo kế hoạch, đặc biệt đồng bào phía bắc di cư vào vùng Tây Nguyên thì không chỉ có dân tộc Mông mà còn có cả dân tộc khác.
Về tập quán, từ trước đến nay, đồng bào dân tộc Mông di cư thường xuyên hơn, đến nhiều địa bàn khác nhau. Có những hộ gia đình chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư đến 3 - 4 tỉnh.
Dựa trên những nghiên cứu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nêu 3 lý do cho thực trạng trên.
Thứ nhất, đồng bào dân tộc Mông có tập quán nhiều khi nghe anh em nói ở đâu có điều kiện sống tốt hơn là có thể di cư rồi. Khi đi sẽ đi theo cả gia đình, dòng họ.
Thứ hai, thẳng thắn so sánh điều kiện kinh tế xã hội những nơi người dân chuyển đến tốt hơn. Thực tiễn chứng minh dân tộc Mông và nhiều dân tộc khác di chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn thì điều kiện phát triển để người dân làm giàu, trở thành hộ khá tăng lên. Đó là điểm hấp dẫn để người dân di chuyển.
Thứ ba, nơi người dân đang ở có thiên tai, bão lũ, địch họa, người dân không an lòng và chủ động đi tìm nơi ổn định hơn. Đây là việc di cư một cách rất tự phát.
Về giải pháp, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng tất cả công dân đều có quyền cư trú ở bất cứ đâu theo Luật Cư trú, nhưng theo trách nhiệm của chính quyền các cấp là phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động bà con nhân dân để người dân hiểu được quy định pháp luật. Nếu người dân có nguyện vọng hoặc có điều kiện di chuyển nơi khác thì phải báo cáo chính quyền sở tại, cho phép thì mới được đi. Cùng với đó, chính quyền cũng cần kip thời nắm bắt giải quyết vướng mắc để người dân thấy an lòng.
Theo V.TÔN (Báo Tin tức)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: