Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm
Các nhà quản lý, chuyên gia, cơ quan báo chí trao đổi tại tọa đàm
Ông Hà Huy Anh, quản lý dự án Quản lý cát bền vững (IKI SMP) của WWF-Việt Nam chia sẻ về thực trạng ngân hàng cát ở ĐBSCL
Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam chia sẻ về các giải pháp thay thế vật liệu cát sông
Các đại biểu tìm hiểu vật liệu thay thế cát sông
Một số sáng kiến về sản phẩm thay thế vật liệu cát sông
Các tài liệu khoa học cho thấy, lưu vực sông Mekong đóng góp lượng trầm tích cho vùng ÐBSCL với tỷ lệ bồi tụ trung bình từ 0,3-1,8mm/năm. Lượng trầm tích đổ về đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn... và là nguồn duy trì, nuôi dưỡng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm khoảng 50%, từ 160 triệu tấn (năm 1992) xuống còn 75 triệu tấn (năm 2014).
Theo báo cáo của Ủy hội sông Mekong công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn trầm tích vào năm 2040. Nguyên nhân do hàng loạt thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn.
Trong khi đó, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu năm 2008 đã tăng thêm 1,3m so thời điểm năm 1998, tương đương 90-110 triệu m3 trầm tích bị giảm đi từ lòng sông. Từ năm 2008 đến 2016, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu diễn ra nhanh hơn, trung bình sâu thêm 3-7m. Điều này cho thấy, trầm tích đang bị lấy đi khỏi lòng sông ngày càng nhiều.
Hiện nay, khoảng 66% đường bờ biển trên toàn vùng ĐBSCL đang có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, lượng cát đổ về giảm cùng với tăng tần suất khai thác khiến tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm.
Điển hình như sạt lở kinh hoàng tại sông Vàm Nao, đoạn đi qua xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vào tháng 4/2017; sạt lở sông Hậu “ăn” gần hết Quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).
Báo cáo tham vấn được thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL do WWF-Việt Nam và Tổng cục Phòng, chống thiên tai thực hiện năm 2020 cho thấy, tỉnh An Giang có 53 điểm sạt lở; tỉnh Đồng Tháp mất khoảng 329ha đất do sạt lở; TP. Cần Thơ có 30 điểm sạt lở; tỉnh Sóc Trăng diễn mất khoảng 2.212m chiều dài bờ sông do sạt lở… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc khai thác cát không bền vững.
WWF-Việt Nam và Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang triển khai thực hiện dự án Quản lý cát bền vững (IKI SMP) tại ĐBSCL. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá khách quan, khoa học về sự mất cân bằng ngân hàng cát và thực trạng khai thác cát, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài, các nhà quản lý, chuyên gia, cơ quan truyền thông đã trao đổi, thảo luận, hiến kế hành động để phát triển bền vững.
Trong đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh trong quản lý khai thác cát, coi cát sông là tài nguyên chiến lược để giữ gìn, bảo vệ; khuyến nghị nhà nước cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các sáng kiến, nghiên cứu, đưa vào sử dụng những vật liệu thay thế cát sông cho các công trình đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm…
Sau tọa đàm, các cơ quan báo chí sẽ đẩy mạnh truyền thông nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về tác động của việc khai thác cát không bền vững đối với khu vực ĐBSCL. Đồng thời, thúc đẩy việc tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sông trong lĩnh vực xây dựng; khuyến khích phát triển các công trình xanh, thân thiện môi trường…
NGÔ CHUẨN