3 năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, sự lãnh đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của sở, ban, ngành, cùng với sự chủ động vào cuộc khẩn trương của Đảng bộ và chính quyền TP. Long Xuyên, địa phương huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị, thương mại - dịch vụ, thiết chế văn hóa, giáo dục, xã hội và y tế. Qua đó, làm cho thành phố thể hiện ngày càng rõ nét hơn vai trò trung tâm tỉnh lỵ, xứng tầm là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, từ năm 2020 - 2023, có dự án đầu tư trọng điểm quy mô lớn được triển khai tại TP. Long Xuyên trong lĩnh vực phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tổng vốn đăng ký đầu tư 20.527 tỷ đồng. Trong đó, dự án Khu đô thị phía Tây TP. Long Xuyên (phường Mỹ Quý, Mỹ Thới), quy mô 216ha, tổng vốn đầu tư 15.251 tỷ đồng, hiện đánh giá sơ bộ năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Một số dự án lớn khác đã và đang được triển khai hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác, sử dụng, như: Khu đô thị Golden City, Khu đô thị Diamond City (Tây Sông Hậu), Khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ tại phường Mỹ Bình… làm cho kết cấu hạ tầng đô thị thành phố chuyển biến rõ nét, ngày càng khang trang, hiện đại, làm đòn bẩy tiếp tục thu hút đầu tư.
Ngoài các dự án trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang phối hợp sở, ban, ngành trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương để các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát địa điểm, đề xuất 6 dự án, tổng vốn đăng ký dự kiến hơn 87.000 tỷ đồng.
Ngoài thu hút vốn đầu tư tư nhân để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị - thương mại - dịch vụ, giai đoạn 2020 - 2023, trên địa bàn thành phố có nhiều dự án trọng điểm được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, như: Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hoàng, đường Lê Trọng Tấn, đường Nguyễn Văn Linh nối dài; nâng cấp, mở rộng đô thị Việt Nam - tiểu dự án TP. Long Xuyên; Bệnh viện Sản - Nhi An Giang; sân vận động tỉnh; trụ sở làm việc Công an tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh…
Các dự án góp phần đồng bộ kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả kết nối trong và ngoài tỉnh, gia tăng động lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng cuộc sống hiện đại, văn minh.
Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định phát triển TP. Long Xuyên trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, chuyển giao công nghệ; đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và logistics.
Cùng với sự bổ trợ phát triển công nghiệp, mở rộng không gian phát triển của 2 huyện giáp ranh (Thoại Sơn và Châu Thành) sẽ làm cho TP. Long Xuyên hội tụ đầy đủ yếu tố cộng hưởng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái và bền vững mang nét đặc trưng của vùng sông nước, như định hướng tại Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang.
Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh cũng đề xuất nhiều công trình, dự án quan trọng trên địa bàn thành phố, kết nối với thành phố, như: Đường tỉnh 943B, Đường tỉnh 941 kéo dài kết hợp với tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố…
“Để chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết trong việc thu hút đầu tư, đón đầu xu hướng và cơ hội, đề xuất TP. Long Xuyên quan tâm rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ và du lịch đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Đây là cơ sở pháp lý để đề xuất dự án thu hút đầu tư phù hợp với định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Cùng với đó, tập trung tối đa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước của thành phố, của tỉnh và Trung ương, đặc biệt ưu tiên lĩnh vực hạ tầng giao thông, đảm bảo kết nối với các tuyến huyết mạch của tỉnh, tạo động lực và đòn bẩy trong thu hút đầu tư ở các lĩnh vực trọng tâm của thành phố (phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ và du lịch, sản xuất công nghiệp và dịch vụ logistics) theo định hướng quy hoạch được duyệt” - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm gợi mở.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, địa phương cần tiếp tục rà soát, lập danh mục dự án trọng điểm, ưu tiên thu hút đầu tư, chuẩn bị thủ tục đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý các dự án theo thứ tự ưu tiên để kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ và tài chính, nhằm giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững, đúng mục tiêu và định hướng; ưu tiên dành nguồn lực của thành phố cho công tác tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Luôn đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư mong muốn khảo sát, tiếp cận thực hiện dự án trên địa bàn với thủ tục hành chính nhanh gọn, rút ngắn tối đa quy trình thủ tục đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công bằng cho tất cả nhà đầu tư.
GIA KHÁNH