Những nghiên cứu ban đầu về trận tai biến tự nhiên chưa từng có này dự kiến sẽ được công bố, chia sẻ với cộng đồng khoa học trong nước và thế giới trong thời gian tới.
Ngay sau khi trận thảm họa thiên tai xảy ra, Viện Ðịa chất đã cử đoàn các nhà khoa học đi thực địa, tiếp cận hiện trường để phục vụ nghiên cứu xác định loại hình thiên tai, cơ chế xảy ra, từ đó, đề xuất giải pháp ứng phó trong những năm tiếp theo.
Ðây là đoàn nhà khoa học đầu tiên cắt rừng, vượt địa hình dốc, nhiều đoạn bị chia cắt sau trận thiên tai để đến tận đỉnh núi Con Voi, nơi khởi nguồn thảm họa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Ðịa chất, người có hơn 50 năm nghiên cứu về tai biến trượt lở chia sẻ: "Chúng tôi phải khẩn trương tiếp cận hiện trường, nếu không thì các dấu vết bị nhòe đi nhanh theo thời gian. Ðể xác định tai biến thiên tai là loại gì, cần phải đi thực địa, khảo sát, thu thập mẫu tại chỗ. Qua khảo sát, đánh giá, chúng tôi xác định trận thảm họa xảy ra sáng 10/9 ở thôn Làng Nủ là tai biến trượt lở, mà không phải như nhiều người phán đoán là lũ quét, vỡ "túi nước" từ trên đỉnh núi, hay có hồ nước ngầm trong núi… Thảm họa trượt lở như thế này chưa từng được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam hiện đại".
Trượt lở đã được đánh giá là một trong 12 loại thiên tai ác liệt nhất gây nhiều thiệt hại ở nước ta. Trượt lở phụ thuộc vào các yếu tố như: địa chất (mức độ nứt nẻ của đất đá, các kiểu vỏ phong hóa…) địa mạo (hình thái sườn dốc...) điều kiện khí hậu, thủy văn (mưa, dòng chảy…). Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC08.28/11-15 thì Lào Cai là một trong những địa phương có nguy cơ thiên tai này rất cao.
Nói rõ về mức độ khốc liệt của trận trượt lở xảy ra tại thôn Làng Nủ, Tiến sĩ Phạm Văn Tiền (Trung tâm Viễn thám và Geomatic, Viện Ðịa chất) cho biết, khảo sát cho thấy, vị trí xảy ra trượt lở là từ đỉnh núi Con Voi, độ dốc không lớn lắm (chỗ xảy ra trượt so với thôn Làng Nủ có độ chênh cao khoảng hơn 550m). Khối trượt (dạng trượt nhanh) có quy mô rất lớn chưa từng được ghi nhận, ước tính thể tích khoảng hơn 1.000.000 m3, với độ sâu mặt trượt lớn nhất khoảng 40-50m. Từ trên đỉnh núi, khối trượt khổng lồ có tốc độ rất lớn lao xuống khe suối đến khu vực dân cư dài khoảng 2,5 km (người dân cho biết chỉ trong vòng 3-5 phút). Trên đường đi, khối trượt cào bóc thêm vật liệu hai bên sườn núi và khe suối với diện tích khoảng hơn 40 ha, chồm lên các quả đồi, rồi hòa vào nước của dòng suối tạo thành dòng bùn đất vùi lấp cả bản ở phía dưới, với phạm vi khoảng 20 ha, gây nên thảm họa trượt lở tự nhiên lớn nhất từ trước đến nay. Quy mô khối trượt và diện tích bóc cào rất lớn cho thấy sức tàn phá ghê gớm của trận trượt lở lịch sử này.
Giải thích nguyên nhân hình thành khối trượt trên núi Con Voi, Tiến sĩ Phạm Văn Tiền cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, gần khu vực đỉnh của dãy núi Con Voi có một đứt gãy chạy qua, do ảnh hưởng quá trình kiến tạo khiến đất đá bị nứt nẻ mạnh, vò nhàu và trở nên yếu hơn. Thêm vào đó, những ngày trước khi xảy ra thảm họa có mưa rất to, lượng nước mưa lớn đã ngấm theo các khe nứt của đất đá bên trong sườn dốc, làm mực nước ngầm dâng cao tạo ra áp lực cực lớn và gây ra hiện tượng trượt lở này. Do đó, lượng mưa lớn xuất hiện do hoàn lưu của cơn bão Yagi là tác nhân chính gây ra trượt lở.
Nói về hiện tượng có tiếng nổ ngay trước khi xảy ra trượt lở, Tiến sĩ Phạm Văn Tiền giải thích do sự đứt tách và vỡ ra của những khối đất đá có kích thước rất lớn từ đỉnh núi Con Voi. Trong khi đó, đất đá lao dọc khe suối với tốc độ rất lớn, rồi va đập vào nhau, cuồn cuộn chảy theo dòng vật liệu đất đá đã gây ra âm thanh lớn mà như người dân phản ánh là "nghe ào ào như tiếng máy bay".
"Người dân ở cách xa tới 6-7 km vẫn nghe được tiếng nổ là hiện tượng rất hiếm ở Việt Nam, chứng tỏ khối trượt rất lớn", Tiến sĩ Phạm Văn Tiền nói thêm.
Với những kết quả khảo sát, phân tích sau chuyến thực địa, Tiến sĩ Phạm Văn Tiền cho biết, các nhà khoa học sẽ sớm hoàn thành bài báo để công bố quốc tế cũng như chia sẻ ở các diễn đàn để giới khoa học trong và ngoài nước có thêm thông tin, tư liệu tham khảo về những đặc điểm, nguyên nhân, cơ chế xảy ra của khối trượt tại thôn Làng Nủ cùng phương thức tác hại của nó. Một số nhà khoa học quốc tế cũng quan tâm việc hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học của Viện Ðịa chất về trận trượt lở lịch sử này, từ đó, kỳ vọng sẽ có thêm phương pháp tiếp cận để tìm ra những điểm mới trong quá trình nghiên cứu phục vụ phòng chống thiên tai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh nhận định, từ thảm họa thiên tai này, các nhà khoa học sẽ bổ sung kinh nghiệm về công tác dự báo thiên tai. Ðó là không chỉ quan tâm nghiên cứu ở các khu dân cư, mà cần phải nghiên cứu, đánh giá chi tiết hơn về độ nguy hiểm cả những khu vực có nguy cơ rất cao ở đầu nguồn hoặc sát các khe suối để phát hiện ra được các khu vực nguy cơ cao, từ đó có cơ chế cảnh báo sớm, quy hoạch không gian sống an toàn cho người dân.