Tìm thấy nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm trong mẫu bánh mì Phượng

21/09/2023 - 20:27

Nhiều loại vi khuẩn sinh độc tố được tìm thấy trong các mẫu rau, chả lợn, thịt heo xíu, xíu mại được lấy tại quán bánh mì Phượng ở Hội An.

Chiều 21/9, Viện Pasteur Nha Trang có văn bản thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại Hội An, Quảng Nam.

Cơ sở này đã thực hiện kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm và 1 mẫu phân. Trong đó, 12 mẫu thực phẩm tiếp nhận lúc 14h30 phút ngày 14/9, 1 mẫu phân tiếp nhận lúc 15h30 phút ngày 15/9.

Các thực phẩm được lấy mẫu kiểm nghiệm gồm: Pate; rau xà lách, dưa leo, rau húng; chả lợn; thịt heo xíu; xíu mại.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm cho thấy, trong các mẫu được lấy lúc 7h ngày 11/9, mẫu chả lợn phát hiện dương tính chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL. Rau xà lách, dưa leo, rau húng phát hiện khuẩn E.Coli. Trong khi đó, mẫu thịt heo xíu phát hiện dương tính khuẩn Salmonella.

Ở lần lấy mẫu lúc 7h30 sáng 12/9, khuẩn E.Coli được tìm thấy trong mẫu chả lợn, thịt heo xíu, xíu mại; trong mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo và mẫu xíu mại phát hiện dương tính chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE. Khuẩn Samonella được tìm thấy trong mẫu thịt heo xíu và mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu phân của một bệnh nhân nữ, người nước ngoài, lấy mẫu ngày 14/9, tìm thấy khuẩn Salmonella gây bệnh đường ruột.

E.Coli là loại vi khuẩn thuộc hệ vi sinh vật đường ruột. Một số chủng E.coli sinh độc tố có khả năng gây tiêu chảy và các bệnh lý khác như nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu...

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu trên thế giới, có thể tìm thấy vi khuẩn này trong nhiều loại thực phẩm, gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và cả thực phẩm chế biến sẵn.

Nhiễm khuẩn này, bệnh nhân thấy buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, khó chịu, sốt, đau bụng, sau đó xuất hiện nôn mửa và đi ngoài nhiều lần, phân toàn nước, đôi khi có máu.

Vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Thức ăn dễ bị nhiễm là nước thịt, kem, sản phẩm từ thịt và các loại dồi, rau, giá đỗ, nước xốt, bánh thập cẩm, thịt gia cầm...

Khuẩn này gây ra hai bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.

Lực lượng chức năng kiểm tra mẫu bánh mì tại quán bánh mì Phượng. Ảnh: Sở Y tế Quảng Nam

Vụ việc 141 người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại quán Bánh mì Phượng, số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP.Hội An, Quảng Nam, nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi đây là cửa hàng nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch. bánh

Trước đó, theo báo cáo của cơ quan chức năng, người đầu tiên xuất hiện triệu chứng ngộ độc vào khoảng 11h ngày 11/9. Tính đến 12/9, thêm hơn 30 người có triệu chứng tương tự. Hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao, nôn, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài.

Một ngày sau (13/9), số người có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng đã tăng lên 141 người, trong đó có hơn 30 người nước ngoài.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cho biết ngày 11/9, tiệm bánh mì Phượng bán 1.920 ổ bánh mì. Ngày 12/9, cơ sở này bán 1.700 ổ.

Chiều 13/9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam cần chỉ đạo tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm, điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc.

Ngày 21/9, chủ quán bánh mì Phượng đăng tải thư xin lỗi gửi đến khách hàng trên trang cá nhân. Chủ quán bánh mì Phượng thừa nhận đây là sơ sót của quán trong quy trình kiểm soát nhập nguyên liệu đầu vào, cũng như chưa đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến tay người dùng.

Theo VÕ THU - CÔNG SÁNG (Vietnamnet)