Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

06/11/2023 - 06:11

 - Từ đầu năm đến nay, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh An Giang tập trung triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Người dân đến giao dịch vay vốn tại điểm giao dịch xã

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng CSXH, tập trung triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang  thực hiện nghiêm quy định về công khai chính sách tín dụng ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, quy trình, thủ tục, thông tin rộng rãi đến khách hàng vay tại các điểm giao dịch lưu động xã. Trong đó, nghiêm túc việc tổ chức giao dịch lưu động tại 156/156 xã, phường, thị trấn và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân tại các điểm giao dịch.

Đến cuối tháng 9/2023, tổng nguồn vốn đạt 4.509 tỷ đồng, tăng 376 tỷ đồng so đầu năm. Trong đó, vốn Trung ương tăng 326,5 tỷ đồng và vốn địa phương tăng 49,5 tỷ đồng, đạt 95,91% chỉ tiêu năm 2023. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đến ngày 30/9/2023 trên 295 tỷ đồng, tăng 49,5 tỷ đồng, đạt 165,13% kế hoạch giao năm 2023.

9 tháng của năm 2023, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh hơn 157 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,49% trên tổng dư nợ, tăng 11,1 tỷ đồng so năm 2022. Với doanh số cho vay đạt 910 tỷ đồng, đã giúp 24.787 hộ được vay vốn theo các chương trình: Hộ nghèo; hộ mới thoát nghèo; hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn; vay vốn xuất khẩu lao động; vay nhà ở xã hội; vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP.

Đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 4.501 tỷ đồng, tăng 370,7 tỷ đồng so năm 2022 (tăng 8,98%), với hơn 150.000 hộ còn dư nợ; bình quân mỗi hộ có dư nợ 30,2 triệu đồng. Qua đó, hoàn thành 95,91% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao năm 2023, trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương đạt 4.219 tỷ đồng, dư nợ nguồn vốn địa phương đạt 282,3 tỷ đồng.

Hệ thống Ngân hàng CSXH phối hợp chặt chẽ các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội các cấp; duy trì đều đặn việc tổ chức họp giao ban của tổ chức hội với ngân hàng hàng tháng tại cấp xã, 3 tháng một lần tại cấp huyện và cấp tỉnh.

Về công tác quản lý và xử lý nợ, Ngân hàng CSXH nơi cho vay chủ động thông báo nợ đến hạn kỳ cuối trước 3 tháng để khách hàng có kế hoạch trả nợ. Đồng thời, thường xuyên rà soát, phân tích, đánh giá khả năng trả nợ của hộ vay có nợ đến hạn trong năm, nợ quá hạn, nợ khoanh hết hạn; chủ động phân loại nợ, phối hợp các bên liên quan đôn đốc, xử lý nợ theo quy định.

Đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ ủy thác qua hội, đoàn thể 4.481 tỷ đồng, chiếm 99,5% tổng dư nợ của chi nhánh. Trong đó, dư nợ Trung ương ủy thác qua hội, đoàn thể 4.217 tỷ đồng, chiếm 94,1% tổng dư nợ ủy thác; dư nợ địa phương ủy thác qua hội, đoàn thể hơn 263,55 tỷ đồng, chiếm 5,9%/tổng dư nợ…

Các hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên giám sát việc bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; việc sử dụng vốn của hộ vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, đôn đốc trả nợ, trả lãi. Đồng thời, tích cực nâng cao chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn tỉnh. An Giang hiện có 3.150 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, 2.143 tổ xếp loại tốt (tỷ lệ 68%), 672 tổ xếp loại khá (tỷ lệ 21,3%). Chất lượng hoạt động tín dụng cấp huyện có 11/11 đơn vị xếp loại tốt (tỷ lệ 100%).

Để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị: 3 tháng cuối năm 2023, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Ngân hàng CSXH cùng các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vay vốn, nhất là các nội dung mới đến mọi tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm giao dịch xã; thực hiện tốt việc công khai chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình nhà ở xã hội; các dự án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2023. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, theo dõi xử lý nợ đến hạn kịp thời, hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh… góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

KHÁNH MY