Tôn vinh ẩm thực truyền thống
Là một trong những sự kiện văn hóa, du lịch quốc gia thường niên và tiêu biểu tại TP. Cần Thơ, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ qua 8 lần tổ chức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo thực khách trong và ngoài nước.
Tham gia lễ hội này, nhiều nghệ nhân ở An Giang lấy làm tự hào vì những món bánh đặc trưng được chú ý, thậm chí có “thứ hạng” nhất định.
Nghệ nhân Neáng Phương đã đạt huy chương vàng với sản phẩm bánh kà tum của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer năm 2017. Nghệ nhân Đoàn Văn Phóng 2 lần đạt huy chương bạc với sản phẩm bánh bò thốt nốt (2016, 2018). Nghệ nhân Lưu Thoại Phương Kiều đạt huy chương bạc năm 2017 với món bánh hẹ.
Nghệ nhân Rophyah nắm giữ công thức nhiều loại bánh truyền thống của đồng bào DTTS Chăm, năm 2019 đạt huy chương bạc với món bánh cay. Ngày nay, hiếm có gia đình chọn việc làm bánh là kế sinh nhai mà chỉ coi như nghề phụ.
Vì vậy, bên cạnh tổ chức các lễ hội, hội thi, sân chơi nhằm duy trì, tôn vinh tâm huyết và tay nghề của các nghệ nhân lâu đời, bản thân mỗi người còn giữ nghề dù tên tuổi hay không cũng đã là nghệ nhân trong lòng cộng đồng.
Giữ lại nét đặc trưng riêng
Người Hoa rất trân trọng những chiếc bánh mang đậm bản sắc dân tộc. Đêm 30 Tết, họ thường chuẩn bị một chiếc bánh tổ để cúng ông bà và chia nhau như lời chúc phúc. Bánh tổ theo tiếng Hán là “niên cao”, mang ý nghĩa của sự phát triển, trường tồn.
Ngoài ra, bánh dân gian người Hoa còn có nhiều loại với ý nghĩa rất nhân văn: bánh củ cải hàm ý sự ngọt ngào, trôi chảy; bánh hồng đào là sự trường tồn, vĩnh cửu…
Đồng bào DTTS Chăm cũng có các loại bánh quan trọng trong đời sống tinh thần như: bánh gừng (NònYa) có mặt trên bàn thờ tổ tiên trong lễ cưới, Tết Katê, nói lên ước muốn về cuộc sống sung túc, thịnh vượng.
Người Chăm còn có câu “dưới tapei anung - trên sakaya” (nghĩa là phía dưới bánh tét, phía trên bánh sakaya). Vào những dịp lễ hội như: Katê, đám cưới, đám tang... bánh sakaya mới được làm để cúng và đãi khách.
Với văn hóa ẩm thực của người Khmer, từ lâu họ đã nổi tiếng với món cốm dẹp, bánh kà tum, bánh dứa, bánh bò thốt nốt, bánh ống. Cốm được làm bằng nếp mới ngậm đòng, rang chín và quết bằng cối, là vật phẩm không thể thiếu của bà con Khmer trong Lễ Cúng trăng - Ok-Om-Bok hàng năm.
Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, đâu đó mọi người vẫn bắt gặp hình ảnh các loại bánh xưa hiện hữu ngay trong các dịp trọng đại của gia đình. Trong đó, không thể thiếu bánh cưới - tên gọi chung cho loại bánh được tạo hình đa dạng, góp phần thêm trang trọng cho mâm lễ nhà trai đem qua nhà gái.
Trong đồng bào DTTS Khmer và Chăm, bánh cưới là bánh gừng có vị giòn tan kết hợp vị béo của trứng và ngọt của đường. Còn dân tộc Kinh có bánh thuẫn, bánh rồng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp, văn hóa ẩm thực Nam Bộ không chỉ thỏa mãn nhu cầu ăn uống, mà còn thể hiện cung cách ứng xử, đạo nghĩa ở đời.
Có những loại bánh chỉ được dùng trong dịp trọng đại, gọi là “bánh thiêng” như: dịp đầy tháng, thôi nôi thì có chè, xôi; dịp cúng thất thì có bánh cấp, bánh cúng; dịp lễ, Tết thì có bánh tét, bánh xèo, bánh phồng… Những loại bánh chế biến từ nguyên liệu chính là nông sản, được các nghệ nhân lý giải ngày xưa theo mùa vụ, khai thác được gì thì nghĩ ra món đó.
Thiên nhiên trù phú “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” kết hợp hạt gạo trắng trong, nếp dẻo thơm, khoai, củ trúng mùa, trái cây chín ngọt… sáng tạo ra đủ món bánh tôn vinh sản vật quê hương.
MỸ HẠNH