Một khúc thổ cẩm có giá thành từ 1 triệu đồng trở lên là giá trị của tài hoa người thợ qua nhiều bước công phu hoàn toàn bằng thủ công, đến nay vẫn chưa có máy móc thay thế.
Sau giai đoạn thăng trầm, năm 1998, nghề dệt thổ cẩm ở Văn Giáo được phục hồi, từ 13 hộ biết dệt đã phát triển lên 36 hộ và tập trung chủ yếu ở ấp Mằng Rò, với 63 thợ dệt.
Vực dậy giá trị đặc trưng, thổ cẩm Văn Giáo được chứng nhận nhãn hiệu tập thể Silk Khmer, kế đến được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống.
Riêng tại nhà của bà Néang Chanh Ty là cơ sở có quy mô, đồng thời kết hợp truyền nghề cho các lao động nữ nhàn rỗi.
Thổ cẩm được tạo hình qua nhiều công đoạn phức tạp, từ nhuộm, buộc từng mớ chỉ màu, dệt tạo hoa văn… Tơ sau khi “buộc bông”, được nhuộm lại theo các kiểu mẫu phong phú. Chỉ riêng bước này đã mất từ 15-20 ngày để hoàn thiện.
Ngoài phương pháp phổ biến “bắt bông” trước khi đem dệt, rất hiếm thợ còn giữ được kỹ thuật dệt hoa văn trực tiếp trên khung.
Thợ dệt giỏi cũng phải mất khoảng 7 ngày mới hoàn thiện xong một mẫu hoa văn.
Sự công phu, tỉ mỉ và sắc sảo trên thổ cẩm tạo nên giá trị đặc biệt của loại sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Khmer. Mỗi khúc thổ cẩm ngang 9 tấc dài hơn 3m, có giá trị 2,5 triệu đồng.
Bà Chanh Ty cho biết, dựa trên sự khéo tay của người dệt mà thổ cẩm phân loại giá thành khác nhau, càng đẹp, hoa văn càng tinh xảo, thì giá của thổ cẩm càng đắt. Ngay những loại thổ cẩm thông thường đã có giá bán từ 1,2 – 1,5 triệu đồng.
Gần đây, thổ cẩm được sáng tạo may thành các mẫu ví nhỏ, giá 50.000 đồng/cái.
Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vẫn chuộng sử dụng thổ cẩm theo truyền thống: may xà rông, áo, khăn… và diện chúng trong những dịp lễ trọng của đồng bào.
MỸ HẠNH