Tình yêu với cây cảnh

25/01/2018 - 07:49

 - Hơn chục năm qua dành sự đam mê cho cây cảnh, anh Phạm Ngọc Văn (thị trấn Chợ Mới) đã có trong tay một “gia tài” đồ sộ với hơn 500 gốc mai vàng, hàng trăm chậu cây kiểng các loại, vừa phục vụ cho mục đích thưởng ngoạn, trang trí, vừa đạt giá trị cao về phong thủy.

Rời quê, đeo đuổi đam mê

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật, sau khi ra trường, anh Phạm Ngọc Văn (sinh năm 1969, quê Đồng Tháp) làm công việc giảng dạy tại quê nhà. Năm 1999, anh lập gia đình. Lúc này kinh tế khó khăn, thu nhập từ việc đi dạy không đáng là bao nên anh quyết định nghỉ dạy chuyển qua trồng và chăm sóc cây kiểng để bán, phần để cải thiện cuộc sống, phần để thỏa niềm đam mê.

Khi mới bắt đầu chuyển nghề, anh Văn đã đi tìm tòi, học hỏi nhiều nơi về cây kiểng. Ngoài mai vàng, anh Văn còn phát triển các loại cây xanh có giá trị, chất lượng cao. Anh tự đảm đương việc chọn mua đất trồng cây, tiến hành pha trộn với các phụ gia khác như: trấu, xơ dừa và phân bón, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Bước đầu thành công với niềm đam mê thì biến cố gia đình ập tới, anh Văn chấp nhận giao cơ ngơi cho vợ sau khi ly hôn rồi một mình lặn lội qua vùng đất Chợ Mới lập nghiệp. Anh thuê mặt bằng gần 500m2 tại ấp Thị 2 (thị trấn Chợ Mới), một trong những đô thị sung túc nhất huyện Chợ Mới, nơi có nhiều người cùng niềm đam mê chơi cây kiểng, để phát triển sự nghiệp. Đến nay, trong vườn của anh có rất nhiều dáng cây độc, lạ, được thị trường ưa chuộng như: lộc vừng, cây đa, cây đề, vú sữa hàng trăm tuổi... Anh còn nghiên cứu làm thêm các loại bonsai mi-ni như: mai vàng, mai chiếu thủy, trang hoa vàng, hoa đỏ, kể cả bưởi, ổi, sung cũng được anh lên dáng bonsai đẹp, dưỡng cho trái ra sum suê để phục vụ khách chơi kiểng ngày Tết.

Anh Phạm Ngọc Văn dành sự đam mê cho cây kiểng

Anh Phạm Ngọc Văn dành sự đam mê cho cây kiểng

Vườn kiểng của anh Văn phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Chỉ cần vài trăm ngàn, có thể mua những cây ổi, bưởi, sung đang sai trái, vài triệu là đã có một chậu mai vàng năm cánh hoặc mai chiếu thủy bonsai mi-ni độc, lạ. Nếu khách sang hơn, bỏ ra 5 - 10 triệu đồng là có thể “ẵm” về những cây lộc vừng. Đối với trang hoa vàng hoặc cây vú sữa hàng trăm tuổi, có giá vài chục triệu đồng.

Mong muốn thành lập hợp tác xã cây xanh

Anh Văn cho biết, cách đây hơn 2 năm, trong một dịp tình cờ mang cây cảnh đi giao lưu tại hội chợ ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), anh có dịp làm quen với nghệ nhân cây cảnh Văn Sáu, bậc thầy trong nghề cây cảnh, người đã dành gần như cả đời để tạo dáng cây. Đến tham quan vườn cây cảnh của nghệ nhân này, anh Văn đã mê mẩn cây kim thanh mai mà anh đặt cho tên là “thác đổ hoành chậu”. Không cách nào dứt được hình dáng của cây ra khỏi đầu, anh Văn đã thú thật tâm nguyện với chú Sáu. Lay động trước niềm đam mê của anh, nghệ nhân lão luyện Văn Sáu quyết định trao lại “báu vật” cho chủ mới chăm sóc. “Ngoài kỹ năng chăm sóc cây kiểng, chú Sáu là thợ điêu khắc. Chú bắt đầu tạo dáng độc cho cây kim thanh mai lúc mới được vài tháng tuổi. Các nhánh mai được chú uốn ghép bằng cách buộc dây vải. Để mỗi một nấc cây, một mối ghép ăn liền nhau phải mất 2-3 năm. Trong suốt thời gian đó, người nghệ nhân tài hoa phải suy nghĩ tỉ mỉ về phương án, cách đấu các mối ghép tiếp theo sao cho thật đều, ăn khớp từng mắt một. Ròng rã suốt 15 năm, dáng cây cứ từ từ, dần dần thành hình, còn người tạo ra nó giờ tóc đã bạc phơ. Đúng là công trình tâm huyết của cả một đời người yêu cây, rất hiếm thấy”- anh Văn nhận xét.

Không phụ lòng của nghệ nhân Văn Sáu, anh Văn luôn dành sự chăm sóc đặc biệt cho “thác đổ hoành chậu” dù trong vườn nhà anh hiện có hơn 500 gốc mai vàng, hàng trăm chậu cây kiểng các loại, có giá trị cao về phong thủy. Anh còn bỏ công sưu tầm, tạo dáng kỳ lân cho cây khế trăm tuổi, tạo thế thác đổ cho cây bông trang hoa vàng, tạo dáng đẹp cho cây vú sữa gần 300 tuổi... Trong giới chơi kiểng, anh được bạn bè gọi là “ông cây cảnh Ngọc Văn”. Đối với những người mới bước vào nghề trồng cây cảnh, anh sẵn sàng dẫn họ đến tận vườn chỉ bảo kinh nghiệm vun trồng, chăm sóc cây, thậm chí hỗ trợ cả về vốn liếng để đầu tư. “Mong ước của tôi là thành lập hợp tác xã (HTX) cây xanh. Từ nguồn vốn của xã viên, HTX sẽ mua những khu đất để quy hoạch thành vườn cây cảnh quy mô hơn, làm giàu cho xã viên và tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn ”- anh Văn kỳ vọng.

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH