Tố cáo việc bị người khác vu khống, nói sai sự thật

29/05/2019 - 07:38

 - Bà N. (sinh năm 1986, thường trú TP. Long Xuyên, hiện đang ở Mỹ) gửi đơn đến Báo An Giang, mong được xác minh, xử lý việc bà bị vu khống, nói sai sự thật liên quan đến đời tư của bản thân.

Bà N. và bà T. là chị em bạn dì ruột. Thời gian học đại học, bà T. ở nhờ nhà ba mẹ bà N. Giữa họ khá thân thiết, không có hiềm khích gì. Sau đó, bà N. đi học ở nước ngoài liên tục 7 năm. “Hơn 1 năm nay, bà T. dùng hình ảnh bé trai 1 tuổi, 1 căn phòng cũ kỹ, xa lạ nào đó (tôi hoàn toàn không biết, cũng không có trên facebook tôi), cùng bà Đ. (mẹ ruột T.) đưa cho nhiều người bà con, quen biết xem ảnh lưu trong máy điện thoại, truyền miệng, vu khống tôi có con với một người đàn ông lớn tuổi, sống nghèo khổ trong căn nhà kho tồi tàn ở nước ngoài. Trong khi đó, bà T. biết tôi còn độc thân, vừa đi học, vừa đi làm, có cuộc sống lành mạnh ở nước ngoài. Tháng 5-2018, biết tin tôi chuẩn bị kết hôn, bà T. và bà Đ. càng đẩy mạnh vu khống, tuyên truyền thông tin thất thiệt. Hậu quả, gây nên sự hiểu lầm rất lớn giữa tôi, chồng mới cưới và gia đình chồng. Bà T. và bà Đ. thường xuyên gọi điện thoại, đến nhà dì L. (một họ hàng của tôi) để chửi bới, đe dọa khủng bố tinh thần do dì L. là một trong những nhân chứng tường thuật cho tôi nghe việc làm của mẹ con bà T. Bà T. còn đe dọa sẽ hành hung, đánh đập nếu tôi về Việt Nam. Hiện nay, tôi đã gửi đơn đến nhiều nơi để nhờ giải quyết vụ việc” - bà N. trình bày trong đơn.

Bà L. khẳng định: “Tôi nghe bà Đ. nói “N. đã có chồng, con trai, người chồng lớn tuổi, cuộc sống trong căn nhà cũ kỹ”. Tôi rất lo lắng, nên khi N. điện thoại về, tôi hỏi rõ vấn đề này. N. khẳng định đó là thông tin sai hoàn toàn. Sau đó, bà Đ. phản ứng rất gay gắt, không nói chuyện với tôi nữa”. Khi phóng viên liên hệ với các họ hàng khác theo thông tin bà N. cung cấp, họ từ chối trao đổi vì “đây là chuyện nội bộ gia đình, không tiện đưa lên báo”.

Tố cáo việc bị người khác vu khống, nói sai sự thật

Một phần lá đơn tố cáo của bà N.

Bà T. và bà Đ. cho biết, tháng 1-2018, bà T. tình cờ nhìn thấy hình ảnh N. ẵm 1 cháu bé, đứng cạnh người đàn ông lớn tuổi từ facebook một người quen của N. ở nước ngoài. Thấy vậy, bà T. lưu hình về máy, đưa cho bà Đ. xem. Sau đó một thời gian, bà Đ. trò chuyện riêng với bà L., chia sẻ theo kiểu quan tâm giữa người thân trong gia đình, hoàn toàn không khẳng định đó là chồng, con của N. “Ngoài ra, tôi không hề phát tán, cung cấp hình ảnh cho bất kỳ ai khác xem. Hiện nay, trang facebook kia đã gỡ bỏ hình ảnh của N. Phía gia đình tôi không hề hăm dọa, khủng bố ai, chỉ có mẹ tôi điện thoại hỏi dì L. xem dì trao đổi với N. thế nào mà N. phản ứng. Chuyện nội bộ trong gia đình chưa được làm rõ, thẳng thắn với nhau thì N. đã gửi đơn tố cáo tôi nhiều nơi. Tôi rất mong vụ việc được làm sáng tỏ, để tránh ảnh hưởng uy tín, danh dự của tôi và mẹ tôi” - bà T. chia sẻ.

Ban Giám hiệu Trường THCS M.T. (nơi bà T. làm việc) đã có xử lý bước đầu. Ngành công an làm việc với trường, tiếp xúc với bà T. để nắm vụ việc. “Nhà trường nhận thấy, có thể là sự hiểu lầm giữa 2 chị em, do lâu ngày không gặp, hoặc một mâu thuẫn nào đó giữa 2 gia đình. Xét thấy đây là vụ việc dân sự, chịu sự điều chỉnh của pháp luật, nhà trường đợi thêm kết quả họp gia đình hòa giải, hoặc xử lý hành chính, xác minh của cơ quan chức năng, phán quyết của tòa án… mới có căn cứ xử lý những bước tiếp theo, theo đúng điều lệ, quy định của trường, ngành, Luật Viên chức. Gia đình bà T. nên họp lại để giãi bày, kết nối lại tình thân là tốt nhất, tránh vụ việc thêm rắc rối, phức tạp, gây dư luận không tốt”- Ban Giám hiệu nhà trường cho biết.

Luật sư Trần Ngọc Phước, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh khẳng định: “Không một cá nhân, tổ chức nào được quyền sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép (trừ trường hợp vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia). Không được sử dụng hình ảnh người khác để bình phẩm, ghi chú những việc hoàn toàn sai, gây hiểu nhầm của người này đối với người khác. Mỗi người có quyền có suy nghĩ riêng, nhận định, nhận xét hoặc đánh giá người khác. Nhưng một khi chuyển hóa thành hành vi, sự việc cụ thể (mà biết chắc rằng những gì mình thực hiện không đúng sự thật làm người khác giảm sút về uy tín, danh dự bị bôi xấu; nhân phẩm bị xúc phạm nghiêm trọng) thì người thực hiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trên cơ sở động cơ, mục đích và hậu quả xảy ra tùy theo mức độ nặng nhẹ mà cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý tương thích: bằng hình thức phạt tiền, hoặc xử phạt tù về tội vu khống (theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017) đối với người vi phạm. Bà N. là du học sinh, khi sự việc xảy ra không có mặt tại TP. Long Xuyên, nhưng nếu hành vi của người vi phạm xảy ra tại TP. Long Xuyên, hậu quả của người bị hại phải gánh chịu cùng một nơi, vụ việc sẽ do cơ quan chức năng tại TP. Long Xuyên xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng về quyền con người, trong đó có quyền ngôn luận. Tự do ngôn luận không có nghĩa muốn nói gì thì nói, muốn truyền tải thông tin gì thì truyền tải. Mỗi người thực hiện quyền của mình phải nằm trong giới hạn pháp luật cho phép. Không một ai được lợi dụng quyền của mình để xâm phạm đến quyền nhân thân của người khác đã được Hiến định và pháp luật bảo vệ”.

KHÁNH HƯNG