Tội phạm công nghệ cao: Thủ đoạn cũ - nạn nhân mới

21/01/2021 - 03:04

 - Hiện nay, cùng với xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển bùng nổ của không gian mạng đã giúp cho con người dễ dàng giao lưu, kết nối với nhau hơn. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là làm xuất hiện một loại tội phạm mới - tội phạm công nghệ cao. Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác thế nhưng vẫn còn rất nhiều nạn rơi vào “bẫy lừa” của các đối tượng với số tiền thiệt hại lên đến vài tỷ đồng.

Năm 2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang tiếp nhận và xử lý 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Nạn nhân không chỉ là người dân, chủ doanh nghiệp mà còn có cả cán bộ, công nhân viên chức… có thể do ít tiếp cận với các thông tin liên quan đến loại tội phạm này, nên khi bị những lời lẽ hăm dọa tinh vi của các đối tượng dễ khiến các nạn nhân hoang mang, mất bình tĩnh và dễ dàng “sập bẫy”.

Điển hình như vụ án đã được cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố hình sự “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thị Thu Lan (sinh năm 1990), Nguyễn Trọng Trung (sinh năm 1995) và Huỳnh Vũ Bằng (sinh năm 1978, cùng trú tại TP. Hồ Chí Minh) về tội “rửa tiền”.

Trước đó, khoảng tháng 3-2020, bằng thủ đoạn giả danh cán bộ công an TP. Đà Nẵng, nhóm của Lan điện thoại đe dọa chị Lê Thị T.U (thường trú tại TP. Long Xuyên) rằng có lệnh bắt vì liên quan đến hoạt động mua bán ma túy, nếu không muốn bị bắt tạm giam thì phải gửi vào tài khoản một số tiền để bảo lãnh.

Dù biết mình không làm gì phạm pháp, nhưng lo sợ bị tạm giữ sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, chị T.U đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng, mở tài khoản ngân hàng rồi nộp vào 1,2 tỷ đồng, mua 1 điện thoại để liên lạc riêng, cài đặt phần mềm Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (giả danh) và cung cấp các thông tin tài khoản cho bọn chúng. Sự việc chỉ bị phát giác khi các đối tượng tiếp tục điện thoại đe dọa và kêu nộp thêm tiền. Nghi ngờ bị lừa, chị T.U đến cơ quan công an trình báo với dáng vẻ hoang mang tột độ.

Nguyễn Trọng Trung  và Huỳnh Vũ Bằng tại cơ quan điều tra

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát hình sự nhanh chóng vào cuộc và phát hiện số tiền của nạn nhân đã được chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau. Xác định và bắt giữ Lan, Trung và Bằng là những đối tượng liên quan đến các chủ tài khoản trên để điều tra mở rộng. Trong quá trình điều tra, các đối tượng đã thừa nhận sử dụng giấy chứng minh nhân dân của mình và cả người đã chết để mở nhiều tài khoản chuyển cho một đối tượng ở Malaysia sử dụng vào việc chuyển dòng tiền bất hợp pháp. Mỗi tài khoản, hàng tháng đối tượng được chi trả 1,5 triệu  đồng.

Tại cơ quan công an, Trung khai nhận: “Do đang thiếu tiền xoay sở phụ giúp gia đình và được Lan trấn an, cam đoan là sẽ không làm gì bất hợp pháp nên tôi nghĩ chắc là không sao”. Theo đó, Trung cùng chị mình đã mở tổng cộng 17 tài khoản chuyển cho Lan và được Lan chi trả 77 triệu đồng. Chỉ vì hám lợi, Trung và nhiều đối tượng đã vô tình trở thành người giúp sức cho bọn lừa đảo, đến khi bị cơ quan công an khởi tố tạm giam thì mới bàng hoàng nhận ra mình đã vướng vào vòng lao lý với mức án cao nhất lên đến 15 năm tù giam.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, như: đối tượng sử dụng mạng xã hội quảng bá việc cho vay tiền. Sau khi có người bị hại có nhu cầu vay thì các đối tượng yêu cầu nộp các khoản phí rồi sau đó khóa các App để chiếm đoạt; đối tượng sử dụng các nick ảo trên mạng xã hội, như: Zalo, Facebook hoặc nick của người khác để nhắn tin mượn tiền; gọi điện thông báo trúng thưởng và yêu cầu nộp phí để nhận… và nghiêm trọng nhất là giả danh cán bộ công an và chuẩn bị thi hành quyết định bắt giữ người.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, người dân cần đề cao cảnh giác khi tham gia các trang mạng xã hội; cẩn trọng khi nhận cuộc gọi từ người lạ (có các đầu số 00), tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng... chủ động chia sẻ thông tin với người thân và cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm để tránh “tiền mất, tật mang”.

BÍCH TRÂM - TIẾN TẦM

 

Liên kết hữu ích