Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, một nhân cách sáng ngời

20/08/2018 - 10:00

 - Xuất thân từ một gia đình, một miền quê giàu truyền thống yêu nước, từ một người thợ thực thụ, Tôn Đức Thắng trở thành chiến sĩ cách mạng. Từ một công nhân, lính thợ đến tổ chức đấu tranh cách mạng, từ ngục tù Côn Đảo đến tham gia kháng chiến và trải qua các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dù ở bất cứ cương vị nào, Bác Tôn luôn toát lên sự khiêm tốn, giản dị, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, một nhân cách sáng ngời

Ảnh: THANH HÙNG

Chiến sĩ cách mạng kiên cường, mẫu mực

Bác Tôn sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình nông dân ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Học xong bậc tiểu học, Bác tạm biệt gia đình lên Sài Gòn, mở đầu cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Bác Tôn không chọn con đường tiến thân nào khác, mà quyết định đến ngay với giai cấp công nhân. Năm 1906, Sài Gòn đón nhận người thanh niên 18 tuổi đầy tâm huyết Tôn Đức Thắng. Hạt giống cách mạng được ươm giữa lòng đô thành Sài Gòn đầy bóng quân xâm lược. Hoạt động trong phong trào công nhân và tham gia các hoạt động chính trị trong binh lính hải quân Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên ủng hộ nước Nga Xô-viết.

Trở về nước và hòa nhập vào đội ngũ giai cấp công nhân non trẻ nước ta, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng là người tiên phong thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn (hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam). Năm 1925, trên cơ sở phát triển của công hội, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, góp phần mở ra quá trình giai cấp công nhân Việt Nam chuyển từ đấu tranh tự phát lên tự giác và tạo ra cơ sở xã hội cho việc tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập bắt đầu hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Nam Bộ, đồng chí Tôn Đức Thắng đã gia nhập tổ chức này và giữ trọng trách là Ủy viên Kỳ bộ Nam Bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách phong trào công nhân. Trên cương vị đó, đồng chí vừa hăng hái học tập, vừa góp phần tích cực vào việc truyền bá, kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, phát triển Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong giai cấp công nhân, đẩy mạnh quá trình vận động thành lập Đảng. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sĩ lớp đầu của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Với những hoạt động trên, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần đưa cách mạng Việt Nam tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn giai cấp công nhân và Nhân dân lao động phát huy vai trò quyết định xu thế phát triển của đất nước theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, một nhân cách sáng ngời

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm đơn vị bắn rơi máy bay F111A của Mỹ năm 1972

Một nhân cách cao quý

Không phải là nhà lý luận, nhà tư tưởng, Tôn Đức Thắng là người thợ, con người hành động, hành động tiên phong. Bằng hành động thực tiễn, Bác Tôn làm cho ta hiểu rõ nhân cách, tình người, đạo làm người... đúng đắn. Cuộc sống người thợ, sự năng động trong tư duy, nhạy cảm nắm bắt cái mới là nét nổi bật trong tính cách Tôn Đức Thắng. Khi chưa có giác ngộ lập trường giai cấp và chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đứng trên lập trường của một người yêu nước, hòa nhập và hiểu rõ nỗi đau khổ của người công nhân Việt Nam. Hàng ngày, trước cuộc sống bất công, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn đứng mũi chịu sào, biết tổ chức, dũng cảm, kiên cường, không khoan nhượng chống lại mọi sự áp bức, cường quyền, sớm bộc lộ phẩm chất quí giá từ thời còn trẻ.

Từ năm 1929 đến năm 1945, bị thực dân Pháp bắt, với ý chí kiên cường và phẩm chất cách mạng sáng ngời của người cộng sản, đồng chí Tôn Đức Thắng đã bất khuất vượt qua sự đầy ải trong ”địa ngục trần gian” của thực dân Pháp ở Khám Lớn (Sài Gòn) và ngục tù Côn Đảo. Thời gian bị đọa đày trong ”địa ngục trần gian” Côn Đảo là sự thử thách khốc liệt nhất. Tôn Đức Thắng đã tỏ rõ nghị lực phi thường, chí khí quật cường của người công nhân, bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, làm tất cả mọi việc có lợi cho Đảng, cho cách mạng để giải phóng dân tộc, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phẩm chất và ý chí cách mạng kiên cường, tấm gương đạo đức trong sáng đã làm uy tín và ảnh hưởng của Tôn Đức Thắng không những đối với các đồng chí của mình, mà còn cảm hóa được một số tù Quốc dân Đảng và tù thường phạm. Suy nghĩ và hành động của Tôn Đức Thắng làm kẻ thù phải e dè, kính nể, bạn tù kính phục.

Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, một nhân cách sáng ngời

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, được trở về đất liền, đồng chí được giao ngay nhiệm vụ Phụ trách Ủy ban Kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng Lực lượng vũ trang Nam Bộ và tiến hành lãnh đạo cuộc chiến đấu chống quân đội Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ở Nam Bộ sau ngày 23-9-1945. Ở những cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, mặc dù tuổi cao, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã phấn đấu không mệt mỏi góp phần cùng với Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội và Mặt trận đưa 2 cuộc kháng chiến của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.

Đầu năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được điều động ra miền Bắc làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảm nhiệm nhiều trọng trách: Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên-Việt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc, Chủ tịch Mặt trận Liên-Việt, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nạn mù chữ Trung ương, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch danh dự Ủy ban Thiếu niên và Nhi đồng Việt Nam. Đồng chí đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc trên cương vị là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô.

Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, lãnh đạo cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia, nhưng Bác Tôn không một biểu hiện là con người quyền lực, ham quyền lực. Bác thích vị trí một đảng viên cộng sản như mọi đảng viên, thích vị trí công dân trung thực, lương thiện, gắng sức làm những điều ích nước, lợi dân. Cuộc đời Bác Tôn là một hình mẫu của sự vĩ đại trong cái bình thường của một con người, điều tưởng như đơn giản mà cực kỳ phức tạp, khó khăn đối với những ai nắm quyền trong tay.

Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, một nhân cách sáng ngời

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm đồng bào miền Nam sau ngày thống nhất đất nước

Khi đã là Chủ tịch nước, Bác vẫn giữ nếp sống khiêm tốn, giản dị và luôn giữ vững những đức tính vốn có của mình, không thích sự sang trọng, xa hoa, ham lao động trí óc và chân tay. Chủ tịch Tôn Đức Thắng thường xuyên dành tình cảm ân cần chăm lo cho đồng chí, đồng bào, đặc biệt là với các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Những đồng chí từng bị giam ở nhà tù với Bác Tôn suốt 17 năm và làm việc với Bác hơn 30 năm sau này, chỉ thấy ở Bác Tôn một đức tính, một phong cách không hề thay đổi, đó là phong cách công nhân, giản dị, chân thành, trong sáng. Chính cái chất Nam Bộ rất riêng và sự bình dị, đức độ đã khiến Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn thuyết phục lòng người.

THU THẢO