Khỏe mạnh, bình thường là hạnh phúc
Mỗi cặp vợ chồng được tôn vinh là tấm gương sáng, vượt lên tư tưởng định kiến “trọng nam, khinh nữ”, chăm lo nuôi dạy con tốt. Qua đây, cũng khích lệ các cặp vợ chồng chấp hành tốt chính sách dân số, sinh đủ 2 con, thực hiện Luật Bình đẳng giới, tiền đề góp phần đưa tỷ số khi sinh của An Giang dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030.
“Với tôi, con gái hay con trai đều được, miễn chúng sinh ra lành lặn, bình thường là hạnh phúc lắm rồi” - chị Phùng Thị Kim Thoa (ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) chia sẻ. Làm việc về nhà, thấy các con gái ngoan ngoãn, nói chuyện líu lo, đứa ca, đứa múa, mang giấy khen ra khoe... bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến. Hạnh phúc chỉ cần vậy, đâu nhất thiết có con trai mới hạnh phúc!
Tôn vinh gia đình tiêu biểu sinh 2 con một bề là gái
Anh Trần Thanh Đấu (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đồng tình: “Đã là con thì con nào cũng quý, miễn là sống có tình, có hiếu với cha mẹ. Tình trạng trọng nam khinh nữ thời xưa khiến một số bé gái phải chịu thiệt thòi, các cặp vợ chồng chỉ chăm chăm sinh con trai, khiến mất cân bằng giới tính, dân số tăng nhanh”. Với suy nghĩ đó, anh Đấu cho rằng, quan trọng là nuôi dưỡng con lớn thế nào, để thành người có ích cho xã hội. “Cũng chính từ dừng lại ở 2 con (đều là gái), vợ chồng tôi có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc” - anh Đấu bày tỏ.
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Vì thế, từng gia đình thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số sẽ góp phần rất lớn vào sự ổn định quy mô dân số, duy trì mức sinh hợp lý, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Một trong những gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chủ trương, chính sách dân số ở huyện Phú Tân là anh Trương Văn Tự (xã Long Hòa). Anh Tự chia sẻ: “Vợ chồng tôi cũng mong ước khi sinh phải đủ trai, gái, đủ nếp tẻ. Nhưng lần lượt 2 con gái ra đời, áp lực kinh tế chưa ổn định, vợ chồng tôi phải vất vả làm việc để lo cho các con ăn học. Kinh tế khó khăn, chúng tôi được sự động viên của gia đình hai bên, cán bộ y tế xã tuyên truyền không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính thai nhi. Hai con gái càng lớn càng đáng yêu, học giỏi, thế là vợ chồng tôi quyết định dừng ở 2 con, tập trung làm ăn để nuôi con học hành đến nơi đến chốn”.
Chung tay giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
BS.CKI Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh An Giang cho biết: “Hiện, tỉnh đã đạt dưới mức sinh thay thế. Năm 2022, dân số An Giang hơn 1,9 triệu người; số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,85 con. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, coi trọng việc lồng ghép vấn đề giảm sinh vững chắc với nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Đặc biệt, tăng cường can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Cũng theo BS Nam, tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 của An Giang là 108,76 bé trai/100 bé gái, thấp hơn trung bình cả nước (111,8 bé trai/100 bé gái) nhưng vẫn chưa về mức cân bằng tự nhiên.
Dược sĩ CKII Từ Hoàng Tước, Phó Giám đốc Sở Y tế biểu dương các gia đình tiêu biểu sinh 2 con một bề là gái, với những kinh nghiệm nuôi dạy con tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi và là nguồn nhân lực cho xã hội phát triển trong tương lai. “Tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Ước tính đến năm 2050, Việt Nam có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được phụ nữ để kết hôn. Mất cân bằng giới tính khi sinh còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến mất cân bằng giới, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là mục tiêu quan trọng của ngành y tế - dân số. Mong mọi người, dù bất kỳ ở địa phương nào, nông thôn hay thành thị, không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính, hãy thực hiện theo khẩu hiệu: “Con trai hay con gái, đều là niềm vui hạnh phúc của mỗi gia đình”, cùng nhau chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Mỗi hành động dù nhỏ hay lớn của chúng ta đều góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng xã hội bình đẳng, văn minh, gia đình hạnh phúc”- dược sĩ Từ Hoàng Tước bày tỏ.
HẠNH CHÂU