Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

26/07/2024 - 03:49

 - Với cương vị người đứng đầu Đảng, gần 3 nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, Tổng Bí thư đã có những đóng góp đặc biệt để Đảng ta xứng đáng là Đảng chân chính cách mạng, thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Do vậy, là người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư thấu hiểu tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây “là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước” và “để làm sao cho Đảng ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức Đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ hơn; gắn bó với Nhân dân mật thiết hơn; được Nhân dân tin yêu hơn; thúc đẩy nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn”.

Ảnh: Internet

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta và công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta…

Trong học thuyết về Đảng kiểu mới, Lê-nin đã nêu ra, chỉ rõ tư tưởng: “Xây dựng Đảng phải luôn luôn đi đôi với chấn chỉnh, củng cố Đảng; để làm tròn vai trò lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu và đội tiên phong của cách mạng, Đảng phải luôn luôn trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta trước lúc về với “thế giới người hiền”, trong “Di chúc” thiêng liêng, Người căn dặn: “Sau khi giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước thì việc làm đầu tiên là phải chỉnh đốn, củng cố lại Đảng. Đảng có mạnh thì cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy””.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác Đảng và xây dựng Đảng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu làm rõ bản chất của Đảng, vai trò của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam.

Từ đó, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái, hư hỏng trong Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực đi đôi với không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh, trình độ trí tuệ, tính tiên phong, phát huy truyền thống tốt đẹp, mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng

Dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của Tổng Bí thư, hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận về công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã được ban hành, góp phần quan trọng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của toàn Đảng trong sự đồng thuận ủng hộ cao của Nhân dân.

Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn lần trước.

Nếu như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) tập trung bàn và ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” thì đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã có sự bổ sung, đổi mới rất căn bản về phạm vi và nội dung, bao gồm toàn bộ các vấn đề “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định 08-QĐ/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định 47-QĐ/TW “Về 19 điều đảng viên không được làm”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) mở rộng phạm vi không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị.

Đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được Nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ. Từ đó, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của đất nước.

Củng cố niềm tin của Nhân dân

Với phương châm: “Không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, tất cả mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương””. Đặc biệt, “mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thực sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”.

Đây là công việc “rất khó, rất phức tạp”, “nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Những luận điểm đó cho thấy tâm huyết, trách nhiệm và quyết tâm chính trị rất cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trên con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Với đạo đức, trí tuệ, tài năng cùng tư tưởng lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng và cả hệ thống chính trị, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Thành quả đó ngày càng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và khẳng định năng lực lãnh đạo cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của Nhân dân.

Những di sản, đóng góp quan trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trong thời gian tới. Để thực hiện thành công những mong muốn, khát vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, mỗi cán bộ, đảng viên vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, tiền phong, gương mẫu, thường xuyên “tự phê bình và phê bình” để xứng đáng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ đã dày công xây dựng và vun đắp.

THU THẢO