Từng bước tiến tới “bình thường mới”
Theo UBND TP, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2.
Đồng thời, một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.
Nhiều khu phố ở TP.HCM đã phá bỏ rào chắn, chuẩn bị cho trạng thái mới từ 1/10
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vắc xin tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả Vùng.
Nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết 86, phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nghiêm chỉnh thực hiện việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác?
Theo nguồn tin riêng, UBND TP đã hoàn tất dự thảo Chỉ thị mới sau khi đã lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức.
Trong dự thảo Chỉ thị mới có những điểm đáng chú ý sau:
Đối với người dân, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình biết tự bảo vệ mình, sống khỏe và sống an toàn. Trong khả năng, điều kiện cho phép luôn đồng hành, chung tay, góp sức cùng với các cấp, các ngành, địa phương chăm lo các hoàn cảnh gặp khó khăn.
Chỉ thị mới quy định, người dân tiêm ít nhất một mũi vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh được lưu thông từ 1/10
Đặc biệt, người dân khi tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: (1) Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; (2) Đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người).
Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở,...) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.
Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định.
Về hoạt động giao thông vận tải, kiểm soát lưu thông: đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hoá giữa TP.HCM với các địa phương được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở GTVT.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ GTVT và quy định của Bộ Y tế.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công thương.
Tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Tại các chốt kiểm soát này tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.
Tổ chức các chốt kiểm soát lưu động trong nội thành theo tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người và tránh ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát.
Khẩn trương triển khai gói hỗ trợ đợt 3
Dự thảo cũng lưu ý quan tâm tới việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các địa phương triển khai gói hỗ trợ đợt 3 để trợ cấp cho đối tượng là người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại thành phố theo Nghị quyết 97 ngày 22/9 của Thường trực HĐND TP, đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lặp.
TP.HCM vượt mốc 2 triệu túi an sinh, tiếp tục các gói hỗ trợ mới
Ban hành chính sách và kêu gọi nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ mồ côi do dịch Covid-19.
Tiếp tục hỗ trợ gạo theo nguồn phân bổ của Chính phủ; huy động nguồn lực xã hội tham gia chăm lo cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân cùng góp sức hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn ổn định cuộc sống.
Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch (đợt 2).
Phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu phục vụ người khó khăn bởi dịch Covid-19 (Trung tâm an sinh), không ngừng cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo HỒ VĂN - THU ANH (Vietnamnet)