TP.HCM: Nông nghiệp công nghệ cao biến đất cằn, ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ

29/11/2020 - 08:07

Từ vùng đất cằn cỗi, hoang hóa do chiến tranh, giờ đây nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã làm thay đổi vùng đất Củ Chi của TP.HCM, giúp địa phương này đẩy nhanh tiến trình nông thôn mới (NTM).

Hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao

Khoảng chục năm trước, khi khu NNCNCTP đi vào hoạt động (ấp 3, xã Phạm Văn Cội), ông Huỳnh Đoàn Thông đã thuê 2ha đất để thành lập công ty nhằm thực hiện dự án nghiên cứu, sản xuất hạt giống rau chất lượng cao. Hiện công ty của ông Thông đã nghiên cứu và sản xuất được hơn 10 loại giống rau, củ, quả chất lượng cao, như: Ớt hiểm, ớt sừng, dưa leo, khổ qua, cà tím, đậu bắp… 

Tất cả loại rau, củ được ông Thông trồng trên giá thể, trong nhà màng. Sáng kiến này giúp thời gian sử dụng đất được liên tục. Sau mỗi vụ thu hoạch không cần phải cải tạo đất. Cứ bình quân trên 1.000m2 đạt năng suất từ 1,5 - 2 tấn ớt.

Hiện mỗi năm, ông Thông xuất sang Nhật khoảng 200 tấn nông sản. Với quy mô sản xuất này, ông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Theo ông Thông, nhờ sản xuất hạt giống bán thị trường trong và ngoài nước, đã giúp ông thu lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.

Nông nghiệp công nghệ cao đổi thay “đất thép” - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm (phải) thăm khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: T.Đ

Vừa qua, trong chuyến công tác phía Nam, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã đến thăm Khu NNCNC Củ Chi. Bà Thơm chia sẻ, rất ấn tượng với các thành quả mà khu NNCNC TP.HCM trong việc thúc đẩy ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.

Ở xã Phạm Văn Cội còn phải kể đến HTX NNCNC Củ Chi. Các sản phẩm chủ yếu của HTX là các loại rau củ quả, như: Bắp cải, hành tây, khoai tây, ớt chuông, hành lá, các loại rau xanh... được trồng trên giá thể trong nhà màng, với hệ thống tưới tự động. HTX đang thể hiện năng lực chuyên nghiệp hóa trong hoạt động cung cấp nông sản thực phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn.

Cái nôi sản sinh NNCNC

Nhiều nông dân ở Củ Chi cho biết, từ khi có khu NNCNC thành phố hoạt động, các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến ngày càng hình thành trên vùng đất này.

Theo TS Đỗ Việt Hà - Phó Trưởng Ban quản lý khu NNCNC TP.HCM, khu NNCNC đi vào hoạt động 10 năm trước với diện tích hơn 88ha. Sau khi tập trung cho trồng trọt đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp khai thác hết diện tích, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và đang tính đến việc mở rộng quy mô. 

Hiện khu NNCNC đang hợp tác với các nước có thế mạnh nông nghiệp như: Hà Lan, Nhật Bản, Israel... nhằm kết nối giao thương, sản xuất các giống chất lượng cao, sản xuất các sản phẩm theo quy trình công nghệ hiện đại.

Nông nghiệp công nghệ cao đổi thay “đất thép” - Ảnh 3.

Nông dân TP.HCM được chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô hoa lan từ khu NNCNC thành phố. Ảnh: T.Đ

Ngoài ra, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp (thuộc khu NNCNC) còn kết nối với các HTX ứng dụng các mô hình canh tác CNC. Do đó, đến cuối 2019, khu NNCNC đã chuyển giao các mô hình và quy trình ứng dụng tự động hóa trên rau, hoa, cây kiểng như hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật… trong nhà màng và các kỹ thuật ứng dụng công nghệ sinh học cho hơn 140 tổ chức, doanh nghiệp và hộ nông dân trên địa bàn thành phố, các tỉnh khu vực phía Nam, Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ. 

"Thời gian qua, khu NNCNC thành phố đã ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp và chuyển giao các mô hình NNCNC cho HTX, nông dân trong ngoài TP.HCM. Nhiều mô hình NNCNC được đưa vào thực tiễn sản xuất đã giúp tăng diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng, cũng như thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp" - TS Hà cho biết.

Theo TRẦN ĐÁNG (Dân Việt)