TP Hồ Chí Minh: Dịch tay chân miệng tăng nhanh với trên 6.700 trẻ mắc bệnh

26/05/2025 - 14:15

Theo thống kê của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng cao liên tục trong những tuần gần đây. Trước tình hình dịch bệnh có thể lan rộng, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Gần 1.000 ca bệnh chỉ trong một tuần

Qua ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2025 đến nay, Thành phố ghi nhận 6.711 ca mắc tay chân miệng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2024 (4.510 ca). Số ca bệnh nội trú là 967 ca, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024 (842 ca), chưa ghi nhận ca tử vong. Số ca tay chân miệng biến động mạnh, có xu hướng tăng từ tuần 8 và tăng cao trong tuần 20.

Chú thích ảnh

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2.

Riêng tuần 20 (ngày 12/5 - 18/5) đã ghi nhận 916 ca mắc tay chân miệng, tăng 40% so với trung bình 4 tuần trước (654 ca), trong đó số ca nội trú tăng 26% so với trung bình 4 tuần trước. Đa số các quận, huyện đều có số ca mắc tăng; trong đó 8/22 quận, huyện có số ca mắc tăng cao so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước là Quận 1, 5, 7, 12, Bình Tân, Tân Bình, huyện Bình Chánh và thành phố Thủ Đức.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Ngọc Quyên, khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2011 đến nay, tay chân miệng luôn nằm trong top 5 bệnh truyền nhiễm có số ca mắc và ca tử vong cao nhất. Trong 19 tuần đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận 14.600 ca mắc và chưa ghi nhận ca tử vong. Số ca mắc tay chân miệng đang tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Enterovirus 71 (EV71) và các enterovirus khác (EV khác) là các chủng tay chân miệng lưu hành đồng thời qua các năm.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng do hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Trong khi đó, EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn... có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nguy cơ mắc bệnh nặng do EV71 tăng 16 lần so với nhiễm các chủng virus tay chân miệng khác.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, các đợt dịch tay chân miệng lớn tại Việt Nam đều có liên quan đến EV71. Đợt bùng phát bệnh lớn diễn ra gần đây nhất ở Việt Nam vào năm 2023 với hơn 180.000 trẻ mắc bệnh, nhiều ca gặp biến chứng phải thở máy, lọc máu và 31 ca tử vong. Theo một nghiên cứu, tổng chi phí do bệnh tay chân miệng gây ra tại Việt Nam lên đến 90,7 triệu USD mỗi năm; trong đó, ước tính chi phí chung cho một ca điều trị tay chân miệng ở Việt Nam năm 2016 - 2017 là 400 USD, còn ca nặng mất khoảng 1.400 USD.

Nghiên cứu vaccine để phòng bệnh hiệu quả

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng gia tăng nhanh và số ca nhập viện cũng tăng, việc hiểu biết rõ đường lây và các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, tay chân miệng bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, hầu, họng, nước bọt và các nốt phỏng hoặc tiếp xúc gián tiếp với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà…

Các biểu hiện ban đầu của bệnh bao gồm sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Một đến hai ngày sau khi sốt, trẻ xuất hiện các nốt loét ở lưỡi, lợi và bên trong má gây đau rát. Phát ban màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, kèm theo bọng nước tập trung nhiều ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, có thể xuất hiện ở mông và cơ quan sinh dục. Trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh hơn trẻ lớn và người lớn. Nhà trẻ và trường mầm non là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển ổ dịch.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Hiện nay, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn không đặc hiệu như: ăn sạch, uống sạch, ở sạch, chơi sạch. Do đó, việc nghiên cứu và phát triển vaccine đặc hiệu phòng bệnh tay chân miệng là hết sức cấp thiết. Mới đây, Việt Nam cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng vaccine tay chân miệng ở giai đoạn 3.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên 3.993 trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế ở Việt Nam (Bến Tre và Vĩnh Long) và Đài Loan. Mỗi trẻ được tiêm 2 mũi vaccine cách nhau 28 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe trong suốt một năm; trong đó, có 557 trẻ được lấy máu nhiều lần để kiểm tra khả năng tạo ra kháng thể là khả năng miễn dịch sau tiêm.

 

Kết quả cho thấy vaccine giúp tạo kháng thể mạnh, duy trì bền vững ít nhất trong 1 năm. Hiệu quả bảo vệ được xác định là 99,21%. Cụ thể, trong nhóm trẻ được tiêm vaccine chỉ có một trẻ mắc tay chân miệng, trong khi đó nhóm không tiêm có 70 trẻ mắc. Đáng lưu ý, những trẻ được tiêm vaccine có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Tất cả các ca nặng biến chứng nằm ở nhóm không tiêm.

Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận, các phản ứng sau tiêm như đau tại chỗ tiêm hay sốt nhẹ đều ở mức nhẹ và tương tự như khi tiêm các loại vaccine thông thường. Không có phản ứng nghiêm trọng nào được ghi nhận trong nhóm tiêm.

Bác sĩ Lương Chấn Quang cho biết, vaccine EV71 phù hợp cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi. Đây là độ tuổi dễ mắc tay chân miệng và có biến chứng nặng. Theo đó, ông Quang kỳ vọng EV71 là loại vaccine có thể góp phần giảm đáng kể số ca bệnh và tử vong do tay chân miệng tại Việt Nam nếu được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Trước đó, Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty dược phẩm Substipharm Biologics (Thụy Sĩ) để đưa vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng do Enterovirus 71 về Việt Nam. Theo đó, vaccine phòng bệnh tay chân miệng này cũng được khuyến nghị cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa uy tín hàng đầu thế giới The Lancet cho thấy, vaccine an toàn và có hiệu quả bảo vệ cao đến 96,8%, duy trì miễn dịch lâu dài giúp chống lại bệnh tay chân miệng do phân nhóm EV71 lưu hành gần đây ở bất kỳ độ nặng nào.

Trước nguy cơ từ dịch tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng đưa khuyến cáo: Hiện tại, bệnh tay chân miệng lây lan chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ, do vậy cần rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Ngành y tế lưu ý, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng (sốt, phát ban ở tay chân, loét miệng, biếng ăn) cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.

Theo TTXVN