TP Hồ Chí Minh linh hoạt, đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế

15/10/2023 - 10:19

Để đạt mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách, đồng thời, chuẩn bị kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN)

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý những vấn đề, tồn đọng. Song, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng.

Đặc biệt, Thành phố đã nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98 của Quốc hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt. Hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp đã có những chuyển biến ngày càng đồng bộ, hiệu quả hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Thành phố làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước tăng 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14% so với cùng kỳ; Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,57% so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 5,67% so với cùng kỳ; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,78%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố tăng 3,2%; 04 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6%; tổng doanh thu du lịch ước tăng 35,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13% (37.224 doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số chuyển đổi số; chính thức đưa vào vận hành “Hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và dự báo kinh tế - xã hội. Nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai hoặc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Tuyến Metro số 1 chạy thử nghiệm toàn tuyến và chuẩn bị vận hành thương mại; các dự án giao thông hoàn thành như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sắt 2 (huyện Cần Giờ); nhiều dự án mới được khởi công như đường Vành đai 3, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, rạch Xuyên Tâm, xây dựng hạ tầng và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên…

Trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 theo Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch.

Trong thời gian tới, dự báo thành phố còn tiếp tục đối mặt với những yếu tố biến động nhanh, phức tạp, khó lường và tăng trưởng 3 tháng cuối năm sẽ rất nhiều áp lực. Để hoàn thành kế hoạch năm, Thành phố đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách, đồng thời, chuẩn bị kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Cụ thể, thứ nhất là kiên trì, quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là công cụ quan trọng kích thích tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng. Tập trung đẩy mạnh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có mặt bằng cho việc triển khai thi công.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng và các chính sách mới về miễn giảm thuế phí, tiền sử dụng đất. Tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục nhằm kích thích thị trường bất động sản và lĩnh vực xây dựng. Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với các dự án nhà ở thương mại. Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ.

Thứ ba, tìm giải pháp hỗ trợ xuất khẩu. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các giải pháp bình ổn giá, bình ổn thị trường; thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, hội chợ, triển lãm, lễ hội; đặc biệt là tập trung kích cầu du lịch, xem đây là động lực tăng trưởng quan trọng.

Thứ tư, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98. Sẵn sàng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án thí điểm đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Thứ năm, chuẩn bị tốt các công việc phục vụ Nhân dân trong những ngày lễ tết sắp tới, nhất là Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Thứ sáu, tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội; khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc để xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Quan tâm chỉnh trang đô thị gắn với phục dựng, hoàn thiện các công trình, di tích văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Thứ bảy, tăng cường công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; chủ động các phương án, kế hoạch xử lý tình huống phát sinh về an ninh trật tự, phòng, chống cháy, nổ; quyết tâm kéo giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm đường phố, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, xâm hại trẻ em.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài với các nguồn lực bên trong, góp phần thực hiện thắng lợi các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, đề án mà Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra.

Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong vùng và các vùng tiếp giáp để thúc đẩy hoạt động liên kết vùng ngày càng hiệu quả hơn.

Theo V.LÊ (dangcongsan.vn)