Khuyến mãi sâu để kéo khách
Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng cũng thay đổi. Nhiều chuyên gia dự báo, sức mua dịp cuối năm sẽ không bùng nổ.
Dự báo nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân sẽ không không nhiều như mọi năm.
Chị Nguyễn Thị Trang, ngụ ở quận Gò Vấp, cho biết, năm nay hai vợ chồng chị phải nghỉ làm 4 tháng vì dịch bệnh, nên dự tính sẽ tiết giảm mua sắm Tết, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. "Thời điểm này mọi năm, gia đình tôi thường tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng để dành chi tiêu cho dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay gia đình tôi không tiết kiệm được một khoản nào vì tác động của dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, Tết này gia đình chắc cũng làm đơn giản", chị Nguyễn Thị Trang nói.
Để đáp ứng xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng, nhiều hệ thống bán lẻ đã thiết kế các chương trình khuyến mãi hợp với túi tiền khách hàng. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart cho biết, từ nay đến ngày 22/11, gần 1.000 điểm bán trên cả nước trực thuộc Saigon Co.op đồng sẽ loạt tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Trong đó, có đến 11.000 sản phẩm nhu yếu giảm giá đến 47%, chưa kể chương trình siêu ưu đãi giảm hơn 50% cho các loại sữa, dầu ăn, nước ngọt, dụng cụ nhà bếp vào những ngày cuối tuần…
"Ngoài việc giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, chúng tôi cũng tổ chức tặng điểm thưởng cao, hoàn tiền khi mua sắm kết hợp nhãn hàng tặng quà, tăng dịch vụ online, các hình thức thanh toán không tiền mặt để tăng thêm trải nghiệm tiện ích cho khách", ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết thêm.
Do ảnh dịch COVID-19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trong mùa mua sắm cuối năm.
Tương tự, hàng trăm mặt hàng thực phẩm, trái cây, tiêu dùng nhanh... cũng đang được hệ thống Lotte Việt Nam giảm giá mạnh để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Theo đại diện hệ thống Lotte, tâm lý người tiêu dùng có phần dè dặt khi mua sắm tại cửa hàng vì vẫn e ngại dịch bệnh nên hạn chế ra đường. Mặt khác, thu nhập của nhiều gia đình cũng bị tổn thương sau thời gian dài giãn cách. Để kích cầu mua sắm dịp cuối năm, siêu thị đã linh hoạt áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu chứ không dàn trải như mọi năm để có thể đồng hành, chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng lúc này.
Với hệ thống siêu thị GO!, Big C, ngay khi TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn bình thường mới, đơn vị đã tung ra chương trình "Lễ hội ưu đãi" kéo dài đến ngày 17/11, giảm giá đến 49% đối với hàng ngàn sản phẩm, kèm nhiều quà tặng cho khách hàng khi mua sắm tại các hệ thống. Đây là một trong những chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm của hệ thống, nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm, kích cầu tiêu dùng cuối năm.
Nguồn hàng dồi đào đảm bảo phục vụ Tết
Theo các chuyên gia, mùa mua sắm cuối năm nay sẽ có rất nhiều thách thức cho các nhà kinh doanh sau một thời gian dài giãn cách. Tuy nhiên, nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm và thị trường Tết vẫn đảm bảo khá dồi dào, giá cả ổn định để chia sẻ khó khăn với người dân.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian này những năm trước, Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Năm nay, do điều kiện khó khăn vì dịch bệnh, nên việc đi lại giao thương với các tỉnh cũng khó khăn hơn. Sở cùng các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng đã phải xuống các tỉnh, thành làm việc với Sở Công Thương các địa phương để rà soát lại nguồn hàng, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết.
Nguồn cung hàng hóa trong các siêu thị lớn luôn phong phú, đa dạng cho khách hàng lựa chọn mua sắm.
"Hiện nay, các doanh nghiệp đã làm việc với các nhà sản xuất, cung ứng ở các tỉnh, thành và cam kết đảm bảo đầy đủ hàng hóa Tết cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra. Ngoài ra, để kiểm soát giá cả bình ổn, nhiều đơn vị và các doanh nghiệp của thành phố cũng đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng dồi dào, phong phú hơn để có giá bình ổn khi thị trường có biến động, sức mua tăng đột biến vào dịp cận Tết”, ông Lê Huỳnh Minh Tú nói.
Theo nghiên cứu thị trường của Kantar Việt Nam, trải qua một đợt dịch bệnh, thu nhập của người dân cũng giảm đáng kể. Người tiêu dùng vẫn sẽ ăn Tết, nhưng với quy mô nhỏ hơn và người tiêu dùng cũng đã có kinh nghiệm trữ thực phẩm Tết vừa phải, đồ uống được người dân chọn mua cũng là loại hợp túi tiền để có thể tiết kiệm chi tiêu vào dịp cao điểm Tết.
"Người tiêu dùng sẽ ưu tiên giá cả và chú trọng chất lượng tương xứng để tiết kiệm chi tiêu. Ngay cả cách thức mua sắm quà tặng Tết năm nay cũng khác. Dự báo, sẽ có 40% lựa chọn tặng quà giao đến nhà người nhận", bà Nguyễn Phương Nga, đại diện Kantar Việt Nam phân tích.
Các hệ thống phân phối bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ hàng hoá cho người dân trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2022.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Unilever toàn cầu Gro 24/7, mặc dù kinh tế còn đang phục hồi, thu nhập của người dân chưa hồi phục nhưng nhiều nhà bán lẻ vẫn đánh giá mùa Tết năm nay, sức mua cũng sẽ khôi phục. Bởi căn cứ vào hàng năm, doanh số mùa Tết thường chiếm đến 40% doanh số cả năm. Vì vậy, nhiều nhà phân phối, bán lẻ cũng đã có những kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết phong phú hơn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của khách hàng.
"Năm nay, doanh nghiệp nào có dự báo trúng, đúng phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19 và có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết linh hoạt thì doanh nghiệp đó vẫn có cơ hội khôi phục mạnh mẽ sức mua trong dịp cuối năm", ông Phạm Hồng Sơn nhận định.
Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin Tức)