Cần nghiên cứu đề xuất bổ sung hình trong thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)
Ngày 17-10-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh (KCB). Theo đó, từ ngày 1-1-2020, Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT. Thẻ BHYT sẽ tích hợp các thông tin định danh (ảnh, nhóm máu), thông tin sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, lịch sử KCB...). Vì vậy, người tham gia BHYT khi đi KCB không cần mang giấy tờ tùy thân, có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như: vân tay, khuôn mặt...
Từ ngày 1-1-2020, thẻ BHYT điện tử sẽ được áp dụng thay thế cho các giấy tờ tùy thân hiện nay. Ảnh: G.K
Khi người bệnh đã hoàn thành việc khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc, nhân viên y tế tư vấn làm thêm một số xét nghiệm ngoài danh mục bảo hiểm thanh toán, làm cho người dân phải chi trả số tiền khá cao
Bệnh viện đã rà soát và chấn chỉnh. Riêng một số trường hợp, sau khi khám bệnh cần có thêm thông tin để giúp cho chẩn đoán xác định phù hợp với tình trạng bệnh lý, nhằm nâng cao kết quả điều trị. Do đó, bác sĩ điều trị tư vấn rõ cho người bệnh để thực hiện thêm một số xét nghiệm khi được người bệnh đồng ý.
Việc KCB tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang vẫn còn gây ra nhiều bức xúc
Việc chuyển tuyến KCB được thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14-4-2014 của Bộ Y tế về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở KCB. Khi người bệnh đến bệnh viện KCB, nếu bác sĩ nhận định tình trạng bệnh quá khả năng điều trị tại bệnh viện thì sẽ tư vấn chuyển lên tuyến trên ngay. Trường hợp người bệnh yêu cầu chuyển viện mà không phải lý do quá khả năng điều trị, người bệnh vẫn được chuyển theo yêu cầu, tuy nhiên sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT. Vì vậy, trong trường hợp này, người bệnh phải đồng ý ký cam kết không chấp nhận điều trị tại bệnh viện. Qua phản ánh của cử tri, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở KCB cần giải thích thỏa đáng cho người bệnh về phương pháp và liệu trình điều trị để người bệnh an tâm và hợp tác trong việc điều trị.
Đề nghị có hướng giải quyết để tiết kiệm công sức, bớt phiền hà khi người dân tham gia KCB bằng BHYT
Về chuyên môn, việc sử dụng lại kết quả xét nghiệm, X-quang của bệnh viện tuyến trước trong trường hợp bệnh lý đơn giản là phù hợp để giảm chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị có khi phải làm lại xét nghiệm, X-quang nhiều lần để phục vụ cho việc điều trị và theo dõi diễn tiến của bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng và diễn tiến của người bệnh khi nhập viện tại bệnh viện tuyến trên, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm xét nghiệm, X-quang để chẩn đoán và theo dõi bệnh.
Về việc liên thông kết quả xét nghiệm thực hiện theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 27-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025) và Quyết định số 3148/QĐ-BYT ngày 7-7-2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm. Theo đó, việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm thực hiện theo nguyên tắc: công nhận kết quả lẫn nhau giữa các phòng xét nghiệm đạt cùng mức chất lượng; phòng xét nghiệm đạt mức chất lượng thấp công nhận kết quả của phòng xét nghiệm đạt mức cao hơn. Đối với các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189, chỉ áp dụng liên thông các xét nghiệm có trong danh mục theo Quyết định số 3148 và đã được công nhận chất lượng.
Do đó, kết quả xét nghiệm của các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh chưa được liên thông vì đa số phòng xét nghiệm chưa đạt mức chất lượng theo Quyết định số 2429 và chưa đạt chuẩn ISO 15189. Hiện nay, ngành y tế đã có kế hoạch để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm của các cơ sở KCB trong toàn tỉnh; tiến hành đánh giá và công nhận mức chất lượng của các phòng xét nghiệm để tiến tới liên thông công nhận kết quả xét nghiệm theo lộ trình quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
K.N