Trong đơn, ông Sống tường trình: “Vừa qua, tôi làm đơn khiếu nại và đơn phản tố đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đến nay chưa được cơ quan nào giải quyết. Trong thời gian chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết, tôi nhận được thông báo của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh cho biết, xử lý bán đấu giá tài sản là đất ruộng của tôi để thi hành án. Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, phải đi làm mướn sống qua ngày, vì vậy tôi yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lại sự công bằng cho tôi”.
Đại diện Cục THADS tỉnh cho biết, ông Trần Văn Sống đến Quỹ Tín dụng M.H vay 550 triệu đồng, thế chấp tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 7.749m2 đất ruộng, để ông mua máy cắt lúa kinh doanh cắt lúa mướn. Ngoài ra còn 2 người đứng ra bảo lãnh cho ông là vợ chồng ông Nguyễn Văn Đi, bà Hồ Thị Kim Anh (bảo lãnh với diện tích 8.460m2) và vợ chồng ông Trần Văn Trường, bà Nguyễn Thị Thuận (bảo lãnh với diện tích là 6.667m2). Toàn bộ quá trình, thủ tục vay được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, được ký tên đóng dấu lăn tay. Cả 2 bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều công nhận hợp đồng thế chấp này, kể cả hợp đồng tín dụng đính kèm.
Sau đó, phát sinh vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng cầm cố tài sản”, giữa nguyên đơn là Quỹ Tín dụng nhân dân M.H với bị đơn là vợ chồng ông Sống, bà Tuyết (đã chết); vợ chồng ông Trường; vợ chồng ông Đi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình xét xử, phía ông Sống đã cố miếng đất 7.749m2 cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẩm, bà Nguyễn Thị Thúy Lan 50 chỉ vàng 24k. Vụ việc đã qua 2 cấp xét xử, Bản án phúc thẩm số 149/2015/DS-PT ngày 4-6-2015 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang, tuyên xử bác yêu cầu kháng cáo của vợ chồng ông Sống; giữ y Bản án sơ thẩm số 226/2014/DSST ngày 19-12-2014 của TAND huyện Châu Thành, buộc vợ chồng ông Sống phải trả cho Quỹ Tín dụng M.H số tiền 1.047.282.500 đồng và lãi phát sinh theo mức lãi suất nợ quá hạn; duy trì hợp đồng thế chấp đối với 3 miếng đất trên; tuyên bố hợp đồng cầm cố là vô hiệu. Quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục THADS huyện Châu Thành thụ lý và ra quyết định kê biên tài sản, nhưng không thể kê biên được do các hộ này không đồng ý vì họ cho rằng bị cán bộ tín dụng lừa gạt, thực tế họ nhận tiền ít hơn... Cơ quan chức năng đã giám định và thẩm tra xác minh thì thực tế hồ sơ có bảo lãnh, việc khiếu nại là không có cơ sở, căn cứ nên đã bác yêu cầu của những hộ này.
Được biết, ngày 20-7-2017, TAND cấp cao đã ra thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của vợ chồng ông Trần Văn Sống, bà Nguyễn Thị Tuyết; vợ chồng ông Trần Văn Trường, bà Nguyễn Thị Thuận; vợ chồng ông Nguyễn Văn Đi, bà Hồ Thị Kim Anh đối với Bản án phúc thẩm số 149/2015/DS-PT ngày 4-6-2015 của TAND tỉnh An Giang. Qua xem xét hồ sơ vay vốn của vợ chồng ông Trần Văn Sống tại Quỹ Tín dụng M.H ngày 4-1-2012, cùng với các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Sống, vợ chồng ông Trường, vợ chồng ông Đi, thấy rằng, tại kết luận dấu vân tay số 74/GT/10-2013 ngày 20-11-2013 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh An Giang kết luận các dấu vân tay trong hồ sơ vay vốn, thế chấp đúng là của ông Sống, bà Tuyết , ông Đi, bà Anh, ông Trường và bà Thuận. Riêng 2 dấu vân tay ký hiệu A9, A10 ghi tên Nguyễn Thị Thuận và 2 dấu vân tay ký hiệu A33, A34 ghi tên Võ Văn Trường do đường vân thể hiện đặc điểm riêng bị mờ nhòe, không đủ yếu tố giám định truy nguyên đồng nhất. Nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, ông Trường thừa nhận việc đồng ý giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục thế chấp bảo đảm cho hợp đồng vay vốn của ông Sống, bà Tuyết. Bà Thuận phủ nhận hoàn toàn, nhưng bà không cung cấp được chứng cứ để chứng minh và các hợp đồng đã được chứng thực hợp pháp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc ông Sống, bà Tuyết yêu cầu giám định chữ viết tại cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng trong khi phía Quỹ Tín dụng nhân dân M.H đã thừa nhận phần chữ viết “tên” “trỏ trái” “trỏ phải” là do cán bộ tín dụng ghi dùm, là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 80 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) nên không cần thiết phải tiến hành giám định chữ viết tại Bộ Quốc phòng của vợ chồng ông Sống, bà Tuyết là có cơ sở. Do đó, ông Sống, bà Tuyết, ông Đi, bà Anh, ông Trường, bà Thuận phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình khi phát sinh theo các hợp đồng đã xác lập với quỹ tín dụng.
Đối với nhận định giấy hợp đồng cố đất ngày 6-12-2011 giữa vợ chồng ông Sống với vợ chồng ông Lẩm, bà Lan là “vô hiệu” theo nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm là có căn cứ, theo quy định tại Điều 113 của Luật Đất đai năm 2003. Do đó, tòa án buộc vợ chồng ông Sống phải trả cho vợ chồng ông Lẩm 50 chỉ vàng 24k, đồng thời buộc vợ chồng ông Lẩm phải giao trả diện tích đất 7.749m2 là đúng. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 149/2015/DS-PT ngày 4-6-2015 của TAND tỉnh An Giang.
Tháng 10-2017, Cục THADS tỉnh rút hồ sơ về tiếp tục thi hành, trước mắt xử lý phần tài sản của vợ chồng ông Sống trước để đảm bảo việc thi hành án. Hiện nay đã qua nhiều lần thông báo bán đấu giá và giảm giá bán nhưng chưa ai mua, nếu ông Sống có nhu cầu mua lại tài sản trên, liên hệ Cục THADS tỉnh để được giải quyết.
Bài, ảnh: K.N