Bà Hạnh trình bày vụ việc
Theo bà Hạnh, bà được ông Nguyễn Văn Thoản (cha ruột, mất tháng 5-2020) và anh chị em trong gia đình ủy quyền đi kiện tranh chấp đòi quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và quyết định hành chính về giải quyết tranh chấp đất đai đối với 2 vụ án khác nhau. Cụ thể, một vụ việc giữa ông Thoản với bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (em dâu bà Hạnh, ngụ ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, An Phú); vụ còn lại giữa ông Thoản với ông Nguyễn Văn Thi (ngụ ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, An Phú).
Đối với việc tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất liên quan tới bà Nga, TAND 2 cấp xét xử đều nhận định, phần đất căn nhà và tài sản gắn liền với đất là của vợ chồng ông Thoản làm chủ, được cất từ năm 1966. Họ sống chung với người con trai út Nguyễn Thành Nhân, sau đó cho Nhân (không để cho bà Nga) ở làm phủ thờ, di chúc cụ thể được lập vào năm 1999, các con ruột đều có ký tên.
Đến năm 2011, vợ chồng Nhân đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cả 2 trên phần đất phủ thờ này. Năm 2013, bà Nga không cho vợ chồng ông Thoản ở chung nhà. Đến năm 2014, ông Nhân chết. Sau đó, ông Thoản khởi kiện. Ngày 2-7-2019, TAND tỉnh có Bản án số 119/2-19/DS-PT, hủy án sơ thẩm số 219/2018/DS-ST ngày 29-11-2018 của TAND huyện An Phú, chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
“Thế nhưng, đã hơn 1 năm, TAND huyện An Phú không đưa vụ việc ra xét xử. Nhiều lần tôi liên hệ, yêu cầu sớm giải quyết thì Thẩm phán thụ lý hồ sơ và Chánh án đều không muốn tiếp tôi, có một lần tiếp thì không lập biên bản. Còn đối với vụ tranh chấp đất giữa cha tôi với ông Thi, TAND huyện An Phú đang thụ lý hồ sơ, nhưng không đưa ra xét xử dứt điểm. Rất mong các cấp thẩm quyền đôn đốc, đề nghị TAND huyện An Phú nhanh chóng đưa vụ việc ra xét xử” - bà Hạnh đề nghị.
Về phía bà Nga thì thông tin: “Bản thân tôi không ý kiến gì, chỉ mong vụ việc sớm kết thúc, chứ bị thưa kiện hoài cũng mệt mỏi. Trong khi cha mẹ chồng đã mất, còn gì nữa mà thưa kiện. Vụ việc cứ để tòa án phán quyết, tòa án xử sao tôi đồng ý như vậy”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện TAND huyện An Phú cho biết, trước đây, tòa án đã xử xong, nhưng bản án đã bị hủy với lý do “cơ quan thẩm định giá không có chức năng định giá tài sản”. Phía bị đơn chống đối gay gắt, không hợp tác, luôn tìm cách vắng mặt, không chịu mở cửa nhà cho Hội đồng giám định vào đo đạc, thẩm định. Khó khăn này, TAND huyện đã báo cáo về TAND tỉnh xin ý kiến giải quyết. Sắp tới, đơn vị sẽ có kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo. Còn đối với vụ tranh chấp với ông Thi, hiện nay đã có bản vẽ, TAND huyện An Phú ra quyết định giải quyết vụ án, mời các đương sự có liên quan đến thông báo kết quả đo đạc, công bố công khai chứng cứ, đồng thời thu thập thêm chứng cứ để đưa vụ việc ra xét xử.
Ngoài ra, khi tiếp công dân, tòa án có ghi biên bản rõ ràng, nhưng bà Hạnh không ký tên vì cho rằng, ghi không đúng ý kiến của bà. TAND huyện An Phú giải thích, việc tiếp dân phải thực hiện theo lịch cụ thể, do Chánh án hoặc Phó Chánh án tiếp. Còn Thẩm phán chỉ tiếp công dân khi nào có thư mời đương sự đến làm việc, cung cấp tài liệu có liên quan đến vụ án để có chứng cứ giải quyết vụ án. Hơn nữa, hiện tại ông Thoản đã mất, phía bà Nga có đơn yêu cầu đình chỉ vụ án. Phía bà Hạnh yêu cầu tiếp tục xét xử, buộc bà Nga trả nhà và đất thuộc quyền sở hữu của cha bà.
Tuy nhiên, bà Hạnh chỉ có tư cách được kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Thoản, chứ không thể lấy tư cách đại diện ủy quyền của ông Thoản đi khiếu nại được. Mặc dù khi còn sống, ông Thoản ủy quyền cho bà Hạnh, nhưng khi ông đã mất, xem như đương nhiên quyền này chấm dứt. Trong trường hợp này, các con của ông được đồng thừa kế quyền và nghĩa vụ, phải đưa vào tham gia tố tụng. Hiện có 2 đồng thừa kế đang cư trú ở nước ngoài, quá trình làm việc, thu thập chứng cứ gặp khó khăn, kéo dài.
Bài, ảnh: K.N