Về đăng ký cai nghiện tự nguyện
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ngành, công an cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã về quy trình lập hồ sơ, xác định tình trạng nghiện đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy; người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi; người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo quy định tại Nghị định 116/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 của Chính phủ.
Về việc xác định tình trạng nghiện ma túy, theo Thông báo 1603/TB- SYT, ngày 26/5/2022 của Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 119 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Về trình tự, thủ tục và bố trí địa điểm cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định theo quy định tại Khoản 5, Điều 28 và Điều 29 của Nghị định 116/2021/NĐ-CP.
Hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số khó khăn
Nghị định 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Khoản 1, 2, Điều 4 và Điểm b, Khoản 1, Điều 8, người thuộc hộ gia đình cận nghèo và nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT (ngân sách Trung ương). Theo Nghị quyết 18/2020/NQ-HĐND, ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh, hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều và cận nghèo trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương.
Như vậy, trường hợp người dân tộc thiểu số (thuộc diện khó khăn nhưng sinh sống ngoài địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương) hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại huyện An Phú
Chương trình 543/CTr-UBND, ngày 6/9/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 8/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chỉ tiêu bao phủ BHYT của huyện An Phú theo lộ trình, như sau: Năm 2022 là 93,8%; năm 2023 là 94,2%, năm 2024 là 94,6%; năm 2025 là 95%, ở mức trung bình chung của cả tỉnh (95%). Thấp hơn chỉ tiêu của 2 huyện nghèo Tịnh Biên và Tri Tôn (đến năm 2025 phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT lần lượt là 96% và 98%).
An Phú là huyện nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, càng phải thực hiện đạt tỷ lệ bao phủ BHYT, nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe người dân, giúp người dân giảm gánh nặng chi phí khi gặp vấn đề sức khỏe.
Người dân tiếp cận nguồn thuốc tốt khi bệnh
Hiện nay, việc đấu thầu thuốc được thực hiện theo Thông tư 15/2019/TT-BYT, ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế, hướng dẫn việc phân chia gói thầu và nhóm thuốc (như phân chia theo nhóm thuốc thuộc các nước khu vực Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Châu Á, sản xuất trong nước...), nên khi trúng thầu đều có những loại thuốc thuộc các nhóm nói trên với giá khác nhau. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ chỉ định loại thuốc cho phù hợp.
Việc sử dụng thuốc trong nước nhiều với giá rẻ là do: Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” giai đoạn 2, với mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại từng tuyến điều trị. Theo Khoản 2, Điều 15 Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định khi lập kế hoạch đấu thầu hàng năm phải: “Tăng dần tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước”. Thông tư 03/2019/TT-BYT, ngày 28/3/2019 của Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, gồm 640 thuốc, không chào thầu thuốc nhập khẩu và tiếp tục cập nhật bổ sung cho phù hợp với năng lực sản xuất trong nước.
Hiện nay, các thuốc biệt dược gốc, thuốc ngoại nhập, thuốc có giá thành cao do Trung tâm đấu thầu tập trung cấp quốc gia thực hiện đấu thầu và đàm phán giá. Đơn vị đấu thầu tập trung cấp địa phương không được mời thầu thuốc thuộc các danh mục thuốc nêu trên theo quy định tại Khoản 4, Điều 2 Thông tư 15/2020/TT-BYT, ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế (ban hành danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá).
Tuy nhiên, hàng năm, Trung tâm đấu thầu tập trung cấp quốc gia đều thực hiện trễ thầu, nên có tình trạng thiếu các thuốc ngoại nhập sử dụng trong nước. Hiện tại ở An Giang, các đơn vị y tế trong tỉnh xây dựng kế hoạch đấu thầu mua sắm các thuốc trên để sử dụng theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT, nên vẫn đáp ứng được thuốc tốt để điều trị.
K.N