Trả lời phản ánh của ông Nguyễn Hoàng Huy

13/10/2020 - 07:22

 - Báo An Giang nhận được đơn của ông Nguyễn Hoàng Huy (ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới) phản ánh: cơ sở thu mua phế liệu của ông Nguyễn Văn Trường hoạt động gây tiếng ồn, xả thải xuống sông làm ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến giao thông.

Ông Huy trình bày: “Bà con ở khu vực ấp Mỹ Phước bấy lâu nay rất khổ với cơ sở mua bán và sơ tái chế phế liệu của ông Nguyễn Văn Trường (ngụ tổ 6). Cơ sở của ông Trường có đến 2 kho hoạt động trên 10 năm nay, bất chấp sức khỏe của bà con xung quanh. Hàng ngày cơ sở hoạt động liên tục, có ngày từ 5-6 giờ sáng đến tối, gây tiếng ồn rất lớn từ máy nghiền bao bì vỏ chai mủ bể, gây ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi, sinh hoạt của bà con. Nước thải bị thải trực tiếp xuống dòng sông bằng ống bọng không qua lắng lọc gây ô nhiễm nguồn nước. Rác thải đổ trực tiếp xuống sông Hậu, cá dưới sông chết nổi đầu hết luôn. Trong khi cách đó khoảng 1km là nhà máy nước của xã, cũng lấy từ nguồn nước này bơm lên phục vụ bà con sử dụng".

Ông Huy thông tin thêm, bờ kè nhà kho của cơ sở ông Trường xây lấn ra sông Hậu. Việc kinh doanh làm ảnh hưởng đến giao thông, hiện tại diện tích mặt đường liên xã khoảng 3m, thế nhưng xe đến cơ sở đậu đỗ để lên xuống hàng hóa hầu như chiếm hết mặt đường, gây ùn tắc giao thông thường xuyên. Bà con nhiều lần kiến nghị UBND xã Mỹ Hội Đông, kể cả gửi đơn đến huyện Chợ Mới nhưng chưa thấy cơ quan thẩm quyền xử lý, giải quyết. Thông qua báo An Giang, người dân rất mong các ngành chức năng sớm vào cuộc và xử lý vụ việc đến nơi đến chốn để họ được sống trong môi trường trong sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe, ổn định cuộc sống.

Về phía chủ cơ sở, ông Nguyễn Văn Trường thông tin: “Tôi làm nghề thu mua và sơ chế phế liệu nhiều năm, luôn tuân thủ mọi quy định của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền hướng dẫn, có đầy đủ giấy phép kinh doanh cũng như báo cáo tác động môi trường. Cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, liên tục đo độ ồn, bụi và mùi hôi (khoảng 3 lần/năm, chưa tính UBND xã, huyện kiểm tra đột xuất). Nếu tôi hoạt động sai phạm, họ đã rút giấy phép của tôi. Hơn 1 năm nay, tôi chỉ hoạt động cầm chừng, nghỉ mấy tháng mùa dịch vừa qua. Tôi xây hầm chứa nước thải lắng lọc nước 3 ngăn, bên ngoài xây thêm bờ kè che chắn, nên không có việc xả nước thải trực tiếp ra sông. Hơn nữa, gia đình tôi cũng sử dụng nguồn nước này, việc gì tôi phải làm như vậy”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Mỹ Hội Đông cho biết, cơ sở mua bán và sơ tái chế phế liệu của ông Nguyễn Văn Trường đã hoạt động từ năm 2011, gồm 2 khu vực: nhà kho và nơi sơ tái chế. Cơ sở chủ yếu thu mua vỏ chai, bàn ghế, thau rổ… bằng nhựa, về sơ chế (đưa vào máy nghiền ra hạt thành phẩm) xong đóng gói vào bao đưa đi tiêu thụ ở những nhà máy sản xuất chế biến ra sản phẩm nhựa. Từ khi cơ sở hoạt động đến nay, địa phương thường xuyên phối hợp cơ quan chuyên môn kiểm tra.

Qua đó cho thấy, cơ sở đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định về ngành nghề hoạt động do cơ quan chức năng cấp, như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường; có báo cáo kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường tỉnh thực hiện; có đăng ký thu gom rác với xí nghiệp môi trường đô thị Chợ Mới. Cơ sở có xây dựng hầm xử lý nước thải 3 ngăn tự thấm vào nền cát; có phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC), giấy chứng nhận nghiệp vụ PCCC, thiết bị PCCC của cơ sở; giấy khám sức khỏe định kỳ của công nhân.

Ngày 28-9, địa phương vừa tiến hành kiểm tra hoạt động của cơ sở, qua đó đã nhắc nhở chủ cơ sở cần che chắn kín đáo hơn khu vực nghiền phế liệu; hệ thống đường điện nên cải tạo lại đi trong vỏ bọc hoặc sứ cách điện; tiêu lệnh, nội quy, thiết bị PCCC để nơi dễ thấy; rác thải sinh hoạt, sản xuất phải tập kết đúng quy định; bố trí thùng chứa chất thải nguy hại và xử lý đúng quy định; thực hiện đúng và đủ các thủ tục về cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời, địa phương cho thời gian thực hiện những yêu cầu trên trong thời hạn 30 ngày. Chủ cơ sở đã thống nhất nội dung biên bản và cam kết thực hiện đúng theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Thực tế, trong quá trình vận chuyển lên xuống hàng hóa không tránh khỏi việc rơi vãi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhưng từ trước tới giờ, địa phương chưa nhận được đơn phản ánh nào của bà con đối với vấn đề này, không có việc cơ sở thải nước thải trực tiếp ra sông hay ùn tắc giao thông như bà con phản ánh.

Bài, ảnh: K.N