Trả lời phản ánh tiểu thương chợ An Hảo

09/04/2024 - 06:43

 - Báo An Giang nhận được đơn của tập thể tiểu thương chợ An Hảo (TX. Tịnh Biên), phản ánh việc ông B.V.L (chủ đầu tư khai thác chợ) bố trí buôn bán và giữ xe trên hệ thống xử lý nước thải dự án khu dân cư (KDC) dưới chân núi Cấm, góp tiền của tiểu thương không đúng quy định...

Theo các hộ tiểu thương, ông L. thuê đất của Nhà nước để đầu tư xây dựng chợ, thu tiền hàng ngày của mỗi hộ tiểu thương giá khá cao so quy định. Trong khi quy định thu 2.000 đồng/m2, ông L. thu hộ bán cố định 4m2 giá 20.000 đồng/ngày; có hộ chỉ 1m2 phải đóng 25.000 đồng. Người dân nghèo bán 1 bó rau, 1 thau cá chỉ có vài chục đến hơn 100.000 đồng nhưng phải góp 25.000 đồng là điều không hợp lý. Những hộ bán không cố định thì ông Lâm thu từ 50.000 đến 120.000 đồng/ngày. Điều đáng nói là ngày nghỉ bán cũng phải đóng tiền. Ngoài ra, ông tự ý xây thêm từ 16 lên 40 ki-ốt, làm hẹp con đường dân sinh, lấn chiếm mặt tiền nhà của các hộ dân, ảnh hưởng đến mỹ quan và công tác phòng cháy, chữa cháy.

“Bên cạnh đó, ông L. còn sử dụng mặt bằng hệ thống xử lý nước thải của KDC (ngoài khu vực được giao thu góp chợ) để giữ xe và che chắn tiền chế, bố trí cho người dân buôn bán để thu lợi thêm, mỗi ngày hơn 1 triệu đồng (thu từ năm 2020 đến nay). Ông còn tự ý xây bít con lộ (ngang 2,5m, dài 10m) phía sau chợ để cho tiểu thương bán cá. Chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương xem xét giải quyết hợp tình hợp lý hơn, buộc ông L. phải tháo dỡ phần tự ý xây lấn chiếm lộ; xem lại việc cất thêm ki-ốt; phải niêm yết giá góp chợ công khai cho tiểu thương biết; đề nghị truy thu lại toàn bộ số tiền sử dụng mặt bằng hệ thống xử lý nước thải của KDC để sung vào công quỹ Nhà nước” - các tiểu thương đề nghị. 

Chợ An Hảo

Trao đổi với phóng viên, ông L. khẳng định, năm 2016, UBND huyện có chủ trương đầu tư, nâng cấp cải tạo chợ An Hảo, ông được UBND tỉnh ra quyết định cho chủ trương đầu tư chợ An Hảo, nhằm đáp ứng nhu cầu sắp xếp lại mô hình chợ an toàn vệ sinh thực thẩm, ngành hàng kinh doanh, tạo hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội. Đồng thời, hình thành nơi mua bán ổn định của các tiểu thương đảm bảo chợ trật tự, vệ sinh, văn minh, lịch sự phù hợp cảnh quan và không gian chung.

“Sau nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng diện tích mặt bằng tôi được giao đầu tư và khai thác chợ gần 4.700m2, thời hạn hợp đồng thuê đất đầu tư nâng cấp chợ là 30 năm. Tiền thu hoa chi hàng ngày 2.000 đồng/m2, đồng giá tất cả mặt hàng mua bán trong chợ. Những hộ kinh doanh cố định làm hợp đồng cụ thể, trường hợp hộ nào đóng nguyên năm thì hỗ trợ thêm 2 tháng, hộ nào đóng ngày thì thu ngày. Riêng những hộ mua bán hàng rong vãng lai, chạy chợ thì thu từ 5.000 - 100.000 đồng/ngày tùy theo mặt hàng họ buôn bán. Mức thu này không có văn bản hay quyết định chính thức, chỉ thỏa thuận miệng, nên tôi căn cứ vào đó mà thu hàng ngày đối với tiểu thương và họ cũng thống nhất. Riêng việc làm mái che bằng cột bạch đàn trên hệ thống bồn thoát nước thải của KDC và thu tiền giữ xe của các hộ dân phục vụ chủ yếu cho tiểu thương. Nếu không giữ thì họ cũng đậu xe, lỡ xảy ra mất mát không ai chịu trách nhiệm. Nếu địa phương không cho thì tôi chấp hành, không giữ xe và tháo dỡ mái che. Còn việc xây dựng thêm từ 16 lên 40 ki-ốt là có do có chủ trương điều chỉnh diện tích rộng hơn, nhu cầu mua bán của bà con nhiều hơn nên phải xây dựng thêm, việc này có sự thống nhất của trên” - ông L. giải thích.

Đại diện UBND xã An Hảo cho biết, tháng 6/2023, địa phương nhận được đơn trình bày của ông Ngô Văn Hảo liên quan đến chợ An Hảo. UBND xã cử cán bộ xác minh tìm hiểu, ghi nhận sự việc như sau: Trên hệ thống xử lý nước thải, ông L. bố trí, sắp xếp chỗ cho khoảng 30 tiểu thương (mua bán lưu động), thu tiền với các mức giá khác nhau: Bán chuối chiên thu 15.000 đồng; bán rau thu 25.000 đồng; bán khô, hột vịt, trái cây thu 30.000 đồng; bán quần áo thu 40.000 - 50.000 đồng; bán cá 45.000 đồng, không tính theo mét vuông.

Đồng thời, ông làm khung tiền chế trên khu vực hệ thống thoát nước, bể xử lý nước thải để giữ xe và có thu tiền. UBND xã đã mời ông L. đến làm việc, ông trình bày: Khoảng năm 2018, UBND huyện Tịnh Biên (nay là TX. Tịnh Biên) có ý kiến chấp thuận để ông làm chỗ giữ xe cho tiểu thương và người dân đi chợ, nhưng không có văn bản. Đến năm 2022, ông L. sắp xếp cho bán hàng rong trên bệ xử lý nước thải, thu tiền tùy theo vị trí buôn bán. Ông thừa nhận việc sắp xếp buôn bán này, UBND TX. Tịnh Biên không có chủ trương, không đề cập đến. Qua buổi làm việc, địa phương yêu cầu ông trả lại mặt bằng bể xử lý nước thải thuộc KDC dưới chân núi Cấm, không được bố trí tiểu thương buôn bán và không được giữ xe trên hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời, địa phương báo cáo trình UBND TX. Tịnh Biên xem xét, có ý kiến chỉ đạo ngành chức năng huyện hỗ trợ cho xã các bước tiếp theo.

Được biết, đến hiện tại, ông L. vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu của UBND xã, vẫn thu tiền của các hộ mua bán. Bà con tiếp tục gửi đơn phản ánh đến chính quyền các cấp nhờ can thiệp. UBND TX. Tịnh Biên chỉ đạo Phòng Kinh tế kết hợp UBND xã An Hảo tiếp tục xác minh làm rõ, tham mưu UBND TX. Tịnh Biên giải quyết trong thời gian tới.

K.N