Trả lời vụ việc của ông Trần Văn Sờ

17/02/2020 - 07:46

 - Báo An Giang nhận được đơn của ông Lý Hồng Phong, đại diện cho ông Trần Văn Sờ (ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu, An Phú) kiến nghị xin được giám định tỷ lệ thương tật vết thương còn sót để được hưởng trợ cấp thương binh hàng tháng, nhưng nhiều năm vẫn chưa được xem xét.

Theo đơn trình bày: “Ông Trần Văn Sờ tham gia kháng chiến đi làm du kích xã Vĩnh Lộc (An Phú), bị thương nặng với rất nhiều mảnh đạn trong người do trúng đạn pháo của giặc (có xác nhận của đồng đội tôi lúc bấy giờ đã tham gia cùng).

Thế nhưng, năm 1979, khi làm hồ sơ xác nhận thương tật, Hội đồng y khoa chỉ giám định cho ông Sờ bị 3 vết thương, trong khi ông bị rất nhiều vết thương trên cơ thể, hiện nay vẫn còn 13 vết thương trong người (có 7 vết ở đầu) gây ảnh hưởng đến thần kinh, mất sức lao động hoàn toàn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn và hồ sơ giấy tờ đã làm đầy đủ theo hướng dẫn nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Do vậy, thiết tha yêu cầu cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, giới thiệu ông Sờ được giám định tỷ lệ thương tật để được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định, nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và phần nào bù đắp công lao đóng góp của ông Sờ trong kháng chiến”.

Trao đổi với phóng viên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, vừa qua, Sở LĐ-TB&XH nhận được đơn của ông Trần Văn Sờ (ký ngày 27-9-2019) đề nghị giám định bổ sung đối với 13 vết thương còn sót.

Sau khi xem xét nội dung đơn, kiểm tra hồ sơ ông Sờ đang lưu trữ và đối chiếu với văn bản pháp luật hiện hành liên quan việc giám định bổ sung vết thương còn sót, cho thấy: tờ khai của người bị thương do ông Sờ ký ngày 6-11-1978; Biên bản đề nghị xác nhận thương binh của UBND xã Vĩnh Lộc lập ngày 10-11-1978 và giấy chứng nhận bị thương của UBND huyện Phú Châu (cũ) cấp ngày 19-2-1979, đều ghi rõ ông Sờ là du kích xã Vĩnh Lộc, bị thương ngày 5-11-1978 với 2 vết thương: lưng 1 vết, bàn tay 1 vết - chưa lấy miểng.

Biên bản xác định thương tật số 49 ký ngày 13-4-1979 của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh An Giang (giám định lần 1) ghi rõ tình hình cụ thể 3 vết thương: “Mô cái tay trái 1 vết phần mềm đã lấy mảnh; thắt lưng 1 vết phần mềm đã lấy mảnh; trước bả vai trái 1 vết phần mềm” và nhất trí kết luận tỷ lệ do thương tật 13% (vĩnh viễn).

Trên cơ sở đó, Ty Thương binh và Xã hội đã ra Quyết định số 34/QĐ ngày 1-5-1979 trợ cấp 1 lần theo quy định với số tiền là 64 đồng (Sáu mươi bốn đồng), do không đủ tỷ lệ thương tật giải quyết hàng tháng.

Ngày 7-12-1992, ông Trần Văn Sờ được Phân Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương I (giám định lần 2) xác định: 3 vết thương phần mềm (giống như các vết thương đã nêu trên) và kết luận với tỷ lệ thương tật là 13% (vĩnh viễn).

Như vậy, việc giải quyết trợ cấp 1 lần của Ty Thương binh và Xã hội với số tiền 64 đồng là đúng theo quy định. Năm 2017, ông Sờ gửi đơn khiếu nại về việc yêu cầu cho giám định lại thương tật có đính kèm bản photo các giấy tờ: biên bản đề nghị xác nhận thương binh của UBND xã Phú Hữu lập ngày 29-10-1999 (với 11 vết thương); giấy xác nhận vết thương trong kháng chiến của 2 ông Nguyễn Văn Thành, ông Nguyễn Hồng Đực (cùng ký ngày 2-12-2017), đều xác định ông Sờ bị 16 vết thương khi chiến đấu với Pôn-Pốt.

Sau đó, ông Sờ bổ sung thêm bản giấy xác nhận vết thương trong kháng chiến của ông Dương Hoàng Vân (ký ngày 4-1-2019), cư ngụ xã Phú Hữu, ghi rõ ông Sờ bị nhiều vết thương (sau này kiểm đếm thực tế là 16 vết thương).

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH phúc đáp văn bản số 1858/TB-SLĐTBXH ngày 22-9-2017 thông báo về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại do hết thời hiệu giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại; đồng thời, văn bản số 2061/SLĐTBXH-NCC ngày 17-10-2017 hướng dẫn ông Sờ bổ sung thủ tục giám định vết thương còn sót theo Khoản 1, Điều 21 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15-5-2013 của Bộ LĐ-TB&XH.

Đến nay, ông Sờ vẫn chưa cung cấp được các giấy tờ theo yêu cầu quy định. Do vậy, đối với trường hợp của ông Sờ không đủ điều kiện giới thiệu giám định theo quy định tại Thông tư số 05/2013.

Tuy nhiên, xét thấy hoàn cảnh của ông Sờ hiện rất khó khăn, Sở LĐ-TB&XH dự định xin ý kiến Trung ương vận dụng quy định giải quyết giám định vết thương còn sót (vết thương tái phát) đối với trường hợp không có hồ sơ gốc.

Để có cơ sở đề xuất bộ, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị UBND huyện An Phú (cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận bị thương đối với ông Sờ) khẩn trương tổ chức xác minh, họp lấy ý kiến của cán bộ, chỉ huy, đồng đội, cựu chiến binh, nhân dân… những người biết rõ quá trình chiến đấu bị thương của ông  Sờ; văn bản xác định vết thương và nêu ý kiến, đề nghị của ban chỉ đạo xác nhận người có công với cách mạng huyện An Phú đối với các thông tin liên quan đến vết thương còn sót do chiến đấu của ông Trần Văn Sờ, gửi về sở tham mưu UBND tỉnh trình Bộ LĐ-TB&XH xem xét cho ý kiến.

Bài, ảnh: K.N