Trang bị kiến thức kinh doanh cho nông dân

23/05/2023 - 05:00

 - Làm nông dân có phải là kinh doanh? Đó là một trong 11 chuyên đề được giới thiệu tại lớp học kinh doanh cho gần 500 hội viên phụ nữ (đang trực tiếp sản xuất lúa, nếp huyện Châu Thành, Phú Tân, Thoại Sơn và Tri Tôn).

Lớp học kinh doanh cho nông dân tổ chức tại huyện Phú Tân

Một hộ nông dân có thể xem như 1 doanh nghiệp (DN), tức là có mục tiêu kinh doanh, có thị trường, nắm vấn đề giá cả, yếu tố/nguồn lực sản xuất và chi phí đầu vào, phân tích lợi nhuận, thua lỗ… Nông dân phải hiểu được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh (SXKD); phân biệt tính đặc thù của SXKD nông nghiệp với các ngành nghề kinh doanh khác. Thực tế, theo tập quán, nông dân nói chung, nữ nông dân nói riêng chưa quan tâm nhiều đến tính toán chi phí, đồng vốn bỏ ra; ghi nhận doanh thu không chính xác.

Vì thế, lớp học kinh doanh dành cho nông dân được tổ chức, thuộc khuôn khổ dự án “Các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” (GIC) tại An Giang; cụ thể hóa nội dung phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Qua lớp học, người trồng lúa, nếp được hướng dẫn tính toán chi phí canh tác; xác định được chi phí, chi tiêu của gia đình. Các nội dung này kết hợp với nhau, giúp nông dân tự làm được bảng cân đối tài chính của hộ gia đình, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn tiền, gặp khó về tài chính.

“Chúng tôi muốn truyền tải “tinh thần kinh doanh” và “tinh thần doanh nghiệp” đến với nông dân, nhất là phụ nữ nông thôn. Qua đó, giúp họ tự ý thức được bản thân chính là doanh nhân nông nghiệp; hộ gia đình như là 1 DN” - Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác Chi cục phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Trần Hùng Thanh chia sẻ.

Chị Huỳnh Thị Bông Đào (ngụ khóm Phú Hữu, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân) bày tỏ: “Được hội liên hiệp phụ nữ giới thiệu, tôi rất tò mò về lớp học. Qua 2 ngày, tôi biết cách tính toán sản xuất tốt hơn, như: Sử dụng giống, thu - chi từ đầu vụ đến cuối vụ, tổng thu, lợi nhuận, tự đánh giá hiệu quả. Tôi rút kinh nghiệm, chú ý đến các khoản chi, ước lượng lợi nhuận, để có giải pháp, tự tin làm ăn phát triển hơn trong thời gian tới”. Tương tự, chị Nguyễn Thị An (ngụ khóm Phú Xương, thị trấn Chợ Vàm) cho hay, lớp học còn hướng dẫn nông dân biết cách cắt giảm chi phí thông qua thực hiện quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo chuẩn SRP. Qua đó, tiết giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật… Vận dụng phương pháp kỹ thuật giúp nông dân tiết kiệm 30% so với sản xuất thông thường, đảm bảo lợi nhuận tốt hơn. Từ giờ, chị đã biết cách tính toán sản xuất có lợi cho gia đình.

Thời gian qua, không chỉ dành riêng cho nữ nông dân, các lớp học kinh doanh cho nông dân được tổ chức lần lượt ở TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và An Giang, được nông dân hồ hởi đón nhận. Mục tiêu của dự án GIC là trang bị kiến thức về kinh doanh cho 10.000 hộ nông dân ở ĐBSCL. Không tập trung vào thuyết trình, các lớp học tổ chức theo phương pháp làm việc nhóm, thảo luận và hỗ trợ lẫn nhau, đưa ra quyết định chung. Từ đó, mỗi người áp dụng vào thực tiễn SXKD; tận dụng kỹ thuật cải tiến, công nghệ; tìm kiếm cơ hội thị trường để tăng thu nhập.

ĐBSCL đang có khoảng 1,1 triệu nông dân trồng lúa, nếp. Trong đó, khoảng 26% (tương đương 290.000 hộ) tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác. Với vai trò là tổ chức dẫn dắt kinh tế hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã và đang trở thành địa chỉ cho DN liên kết. Vì vậy, tập huấn kiến thức kinh doanh sẽ giúp nông dân làm chủ, “có tiếng nói” khi quan hệ hợp tác với các bên liên quan trong chuỗi sản xuất lúa gạo.

Ông Võ Thanh Hùng (ngụ xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn) cho biết, theo truyền thống, hầu hết nông dân đến mùa vụ đều tìm thương lái để bán nông sản. Ông Hùng chuyên trồng lúa, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với công ty trong nhiều vụ. Tuy nhiên, việc liên kết còn một số khó khăn nhất định. “Nông dân muốn tham gia thỏa thuận phải giỏi tính toán, nắm rõ quyền lợi, có khả năng phản biện và nhiều kiến thức khác. Tham gia lớp học, tôi tìm được hướng giải quyết cho những trăn trở lâu nay” - ông Hùng chia sẻ.

Muốn có nông dân chuyên nghiệp, cần “tri thức hóa nông dân”, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý SXKD và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội… Lớp học nhằm thay đổi tư duy của nông dân sản xuất lúa có quy mô nhỏ và vừa, sang định hướng “SXKD theo nhu cầu thị trường”.

MỸ HẠNH