Tranh chấp đất liên quan đến thánh đường

18/05/2021 - 06:14

 - Ông Ha Ji A Ly (đại diện đồng bào dân tộc thiểu số người Chăm, ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho rằng, những người thừa kế của ông Ta Lós, bà Ây Sás (đã chết) đòi phần đất làm nghĩa địa của cộng đồng người Chăm trong khuôn viên thánh đường MasJidlMukorRomah là phản cảm, trái quy định pháp luật. Trong khi đó, phần đất tranh chấp được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho thánh đường 15 năm qua.

Nhiều người Chăm tập trung ở khu đất nghĩa địa bị tranh chấp

Khiếu nại vụ việc đến Báo An Giang, ông Ha Ji A Ly (sinh năm 1955, ngụ tổ 15, ấp Bình Di, xã Khánh Bình, Trưởng ban Giáo cả, Trưởng tiểu ban Thánh đường Hồi giáo MasJidlMukorRomah) cho biết, nguồn gốc đất của thánh đường do người dân hiến tặng từ trước năm 1975, trong đó có phần lớn diện tích đất của gia đình ông Ha Ji Hăm Zah. Sau đó, bà con bồi đắp nền xây thánh đường, dành một phần trong khuôn viên làm nghĩa địa của cộng đồng Hồi giáo ở đây. Khi đang xây dựng, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, bà con di tản, sau trở về xây dựng tạm để cúng lạy, sinh hoạt và đến năm 1990 hoàn thiện như ngày nay.

Tính đến nay, có 3 đời Trưởng ban Giáo cả, Trưởng tiểu ban Thánh đường. Ngày 29-12-2005, nhà nước cấp GCNQSDĐ 2.997,3m2 cho thánh đường với mục đích sử dụng: đất tôn giáo. Trong quá trình làm thủ tục, ông Ta Lós là ông từ của thánh đường nên có tham gia điềm chỉ, không phải là người đăng ký đất cho mình.

“Đầu tháng 8-2018 và tháng 9-2019, chúng tôi nhận giấy báo của Tòa án nhân dân (TAND) huyện An Phú và TAND tỉnh An Giang với tư cách là bị đơn. Theo đó, đất thánh đường bị các nguyên đơn (người thừa kế của ông Ta Lós, bà Ây Sás) yêu cầu trả 555,9m2 đất nghĩa địa, tọa lạc trong khuôn viên. Đất này qua nhiều đời đã chôn nhiều người quá cố, trong đó có ông Ta Lós và vô số người khác. Đến nay, những người hiến tặng đều xác thực số đất đã cho với mục đích xây dựng thánh đường, làm nghĩa địa và phản đối việc đòi đất nghĩa địa” - ông Ha Ji A Ly bổ sung.

Trả lời việc này, bà Pha Ty Nah, ông Mách Mút (đại diện số người thừa kế của ông Ta Lós, bà Ấy Sás) thông tin: “Nguồn gốc đất tranh chấp là của ông bà để lại cho ông Ta Lós từ trước năm 1975, diện tích 555,9m2, thuộc thửa đất số 4, tờ bản đồ số 16 (tọa lạc ấp Bình Di, xã Khánh Bình), gia đình sử dụng từ lâu, ổn định. Ngày 31-12-2001, UBND huyện An Phú ra Quyết định số 1785/QĐ-UB về việc cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Ta Lós, bà Ây Sás nhưng từ trước đến nay, 2 người chưa được nhận GCNQSDĐ này. Năm 2002, UBND xã Khánh Bình cất nhà tình nghĩa cho cha mẹ liệt sĩ Y Sa (con ông Ta Lós, bà Ây Sás). Năm 2010, ông Ta Lós qua đời. Đến năm 2013, phía bị đơn yêu cầu di dời nhà trả lại đất và bà Ây Sás về sinh sống ở ngôi nhà của vợ chồng con gái. Bà Ây Sás qua đời ngày 1-10-2018. Chúng tôi được thừa kế tài sản của cha mẹ, yêu cầu phía thánh đường trả lại số đất của ông bà, cha mẹ để lại”.

Qua tìm hiểu sự việc được biết, từ yêu cầu, khiếu nại đòi lại đất của người thừa kế vợ chồng ông Ta Lós, bà Ấy Sás, UBND xã Khánh Bình cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Phú đã thực hiện các bước theo quy định của pháp luật. Trong đó, qua chỉ dẫn của các bên tranh chấp, đã thực hiện đo đạc, xác định lại vị trí đất tranh chấp, đồng thời trả lời đơn khiếu nại của đương sự, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Cụ thể, ông Mách Mút (ấp Bình Di, xã Khánh Bình) yêu cầu rà soát, làm rõ về hồ sơ cấp GCNQSDĐ ngày 31-12-2001 của UBND huyện An Phú cấp cho ông Ta Lós và xem xét lại bản vẽ hiện trạng ngày 4-1-2019 của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện An Phú. Qua làm rõ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Phú cho biết, GCNQSDĐ số 01013/nL, ngày 31-12-2001 cấp cho ông Ta Lós thuộc thửa đất số 4, tờ bản đồ số 16, vị trí nằm ngoài khuôn viên thánh đường. Hiện, đất này do Mách Tọt đang sử dụng.

Không đồng ý, những người thừa kế của ông Ta Lós, bà Ây Sás làm đơn khởi kiện. Ngày 2-8-2018, TAND huyện An Phú thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm số 142/2018/TLST-DS về việc tranh chấp QSDĐ. Ngày 16-9-2019, TAND tỉnh An Giang thụ lý vụ án và thực hiện các bước theo quy định. Tuy nhiên, do nguyên đơn hoặc bị đơn, số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì nhiều lý do vắng mặt nên nhiều lần không tiến hành hòa giải được. Hiện, vụ việc đang tiếp tục thực hiện các bước theo quy định.

Bài, ảnh: N.R