Tranh chấp lối đi chung

10/11/2021 - 07:39

 - Một bên cho rằng lối đi chung là đất nghĩa địa, không thuộc sở hữu của ai. Bên kia phản bác, khẳng định là đất của cha mẹ cho sử dụng đã lâu nên có toàn quyền định đoạt về số tài sản này.

Bà Bùi Thị Tám trình bày sự việc

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, bà Bùi Thị Tám (sinh năm 1966), ông Nguyễn Minh Châu (sinh năm 1964, tạm trú tổ 15, khóm Châu Long 4, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết, họ sống ổn định khoảng 70 năm ở tổ 1, ấp Bình Thới, xã Bình Thủy (huyện Châu Phú). Đất này là của cha mẹ bà để lại, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 2008. Đi vào nhà, đất là lối đi chung (ngang 3m, dài 15m), từ lâu là đất nghĩa địa, không thuộc sở hữu của ai. Trước đây, đoạn đường này là vùng trũng, thường bị ngập nước. Năm 2002, gia đình bà đổ đất lên cao làm lối đi cho mình, cùng các hộ (Nguyễn Văn Bồ, Lê Văn Be, Đăng Thị Bé, Phan Hòa Đuông và nhiều hộ ở phía sau) sử dụng khoảng 20 năm, không ai tranh chấp.

Ngày 4-8-2016, gia đình ông Nguyễn Văn Cạch, Nguyễn Ngọc Hường đem vật liệu đến xây dựng trên lối đi chung này, bị bà Tám và nhiều người ngăn cản, phản đối. Do gia đình bà Hường không dừng lại nên họ báo sự việc đến Công an xã Bình Thủy. Trong ngày, Công an xã lập biên bản đề nghị tạm ngưng việc xây dựng, chờ cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Dù bị đề nghị tạm dừng nhưng vài ngày sau gia đình bà Hường vẫn xây dựng bình thường. Gia đình bà Tám khiếu nại đến Ban Nhân dân ấp, UBND xã Bình Thủy và sau đó làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Châu Phú. Do làm đơn không đúng quy định và bị dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nên sự việc vừa mới được xem xét.

“Do không có đường vào đất, nhà bị sập, buộc gia đình tôi chuyển về khóm Châu Long 4 (phường Châu Phú B) ở tạm trú trên phần đất của người thân. Trước đây, trong các buổi hòa giải, bà Hường luôn nói gia đình bà chừa lối đi chung cho các hộ, nhưng phần đất ở phía sau là của bà Oanh. Hiện nay, hộ này đồng ý cho đi nhờ, nếu sau đó bít lại thì tôi và các hộ sẽ làm sao? Việc xây dựng của gia đình bà Hường ảnh hưởng đến gia đình tôi, yêu cầu phải tháo dỡ, giữ vị trí như trước” - bà Tám đề nghị. Nói về việc này, tại 2 buổi hòa giải vào năm 2016 của UBND xã Bình Thủy, gia đình bà Nguyễn Ngọc Hường cho biết, nguồn gốc đất là của cha bà (ông Nguyễn Văn Lem) cho bà sử dụng đã lâu. Đối với phần đất bà Bùi Thị Tám tranh chấp, gia đình bà đã được cấp GCNQSDĐ, không phải là lối đi công cộng như bà Tám nói. Gia đình bà đã chừa một lối đi 2m ở phía sau cho gia đình bà Tám sử dụng, nhưng nhiều lần họ không đồng ý. Gia đình bà không đồng ý như yêu cầu của gia đình bà Bùi Thị Tám.

Qua tìm hiểu sự việc cho thấy, do khó khăn về chỗ ở, gia đình bà Tám di chuyển về TP. Châu Đốc sinh sống, nhưng vẫn thường đến chỗ ở cũ. Sau ngày gia đình bà Hường xây cất trên lối đi, bà Tám khiếu nại vụ việc đến nhiều nơi, ngày 29-6-2020 làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Châu Phú. Ngày 6-10-2020, tòa án thụ lý vụ án dân sự số 223/2020/TLDS về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Sau đó, tòa án mở phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, thực hiện các bước theo quy định của pháp luật, chuẩn bị xét xử.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, khiếu nại nói trên đã được địa phương nhiều lần hòa giải, tòa án thụ lý, chờ xem xét giải quyết. Trong kết quả hòa giải, xác định nguồn gốc đất tranh chấp là của ông Nguyễn Văn Lem (cha bà Hường), chưa được cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, bà Hường lại nói đã được cấp GCNQSDĐ nên cần phải được làm rõ. Bà Tám không đồng tình việc bà Hường chừa lối đi phía sau của người khác là có cơ sở, cần được xem xét giải quyết. Cụ thể, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: chủ sở hữu bất động sản vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu liền kề dành cho mình lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó.

Bài, ảnh: N.R