Tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn

01/03/2018 - 01:00

 - Báo An Giang nhận được đơn của bà Trương Thị Vui cùng con gái Nguyễn Thị Tươi (ngụ ấp Hòa Thành, xã Định Thành, Thoại Sơn) khiếu nại bà Nguyễn Thị Ba (ngụ cùng ấp) giành quyền nuôi cháu, làm trái với bản án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thoại Sơn đã tuyên.

Theo bà Vui, chị Tươi kết hôn với Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1993, con trai bà Ba), có đứa con chung tên N.T.M.X (sinh ngày 4-7-2015). Quá trình chung sống, do mâu thuẫn về tiền bạc, xích mích tình cảm, Tươi chỉ ở nhà chồng khoảng 6 tháng, sau đó về nhà bà Vui sống, sinh con, đến khi ly hôn.

“Nguyên nhân dẫn đến ly hôn do bà Ba hay đến “hỏi mượn” cháu nội về nhà chơi ít ngày, nhưng không đem giao trả, buộc chúng tôi phải đến nhà rước cháu X. về nhà. Ngày 19-6-2017, bà Ba đi cùng 1 người phụ nữ đến hỏi mượn cháu X. với lý do “mấy cô chú nó nhớ”, nhưng sau đó bà không giao trả, mà nói để bà chăm sóc. Tôi không đồng ý, vì con gái tôi hiện đang làm việc tại một công ty lớn ở TP. Hồ Chí Minh, có khả năng nuôi dạy và chăm sóc con. Đôi bên xảy ra tranh cãi giành quyền nuôi cháu X. Tôi khiếu nại đến Ban hòa giải ấp Hòa Thành.

Tại đây, các ban, ngành, đoàn thể động viên bà Ba giao trả cháu X., nhưng bà không thống nhất. Tươi gửi đơn xin ly hôn đến TAND huyện Thoại Sơn. Tòa án giải quyết thuận tình ly hôn, giao quyền nuôi con cho Tươi; Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay bà Ba vẫn chưa giao trả cháu X. theo bản án đã tuyên. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, buộc mẹ con bà Nguyễn Thị Ba, giao trả cháu X. lại cho Tươi nuôi dưỡng”.

Bé X. và bà nội

Phía bà Ba cho rằng: “Sau khi cưới, vợ chồng Vũ - Tươi ở nhà tôi. Gần 1 năm sau, Tươi xin về nhà mẹ ruột chơi (lúc này đã có cháu X.), nhưng ở luôn, không về nhà tôi nữa. Con trai tôi tới lui, ở bên nhà vợ được mấy tháng, năn nỉ nhưng Tươi nhất quyết không về. Bà Vui kêu Vũ ở nhà vợ luôn, Vũ không thống nhất, vì quen làm ruộng vườn, về bên nhà vợ làm nghề dệt chiếu không quen.

Thấy cháu nội hay bệnh, tôi đưa về nhà nuôi, chứ Tươi đi làm xa, không trực tiếp nuôi con mà để cho bà ngoại nuôi. Tôi mong cơ quan thẩm quyền, xem xét tạo điều kiện để cháu X. được cha nó chăm sóc nuôi dưỡng. Hiện tại, Vũ sống chung nhà với tôi, làm ruộng vườn nên có thời gian, điều kiện chăm sóc tốt cho con hơn”.

Bản án số 109/2017/HNGĐ-ST ngày 28-12-2017 của TAND huyện Thoại Sơn tuyên xử sơ thẩm về việc “Tranh chấp hôn nhân và gia đình” giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Tươi và anh Nguyễn Văn Vũ. Tòa án nhận định: “Xét yêu cầu của chị Tươi, thời gian đầu sau khi kết hôn, vợ chồng chị chung sống với nhau rất hạnh phúc, sau một thời gian phát sinh mâu thuẫn. Hiện tại, Vũ đã đưa con chung N.T.M.X về cùng sống với cha mẹ ruột của anh Vũ tại ấp Hòa Thành. Thực tế, vợ chồng không còn chung sống 1 nhà từ giữa năm 2017. Trong thời gian ly thân, anh Vũ không liên hệ, tìm cách hàn gắn tình cảm vợ chồng với chị Tươi cho đến khi chị nộp đơn xin ly hôn.

Trong quá trình giải quyết, tòa án đã hòa giải, tạo điều kiện cho anh Vũ hàn gắn tình cảm với chị Tươi để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Cho đến thời điểm hiện tại, anh Vũ không thể hàn gắn được (mặc dù anh không đồng ý ly hôn, cho rằng còn thương vợ, thương con). Vợ chồng anh chị không còn sống chung với nhau từ lâu, không còn liên hệ tình cảm với nhau, cả 2 không thể cùng nhau xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, đời sống chung không thể kéo dài…

Về phía chị Tươi cho rằng, đã không còn tình cảm và niềm tin với anh Vũ, nên không thể hàn gắn và chung sống với nhau. Do đó, có đủ căn cứ để áp dụng Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014, chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Tươi.

Căn cứ các điều khoản theo quy định, TAND huyện Thoại Sơn tuyên xử: chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Nguyễn Thị Tươi đối với anh Nguyễn Văn Vũ; chị Tươi được nuôi dưỡng và chăm sóc con chung N.T.M.X; anh Vũ có nghĩa vụ giao cháu X. cho chị Tươi trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng. Ghi nhận sự tự nguyện của anh Vũ cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 1 triệu đồng”.

Hiện nay, anh Vũ và gia đình đã gửi đơn kháng cáo đến TAND tỉnh, TAND tỉnh đã thụ lý hồ sơ kháng cáo. Do vậy, phải chờ xử Bản án phúc thẩm thì mới tiến hành thi hành án theo quy định.

Bài, ảnh: K.N