Tranh chấp thừa kế nhà Tình nghĩa

12/01/2021 - 06:26

 - Cả 2 bên đều cho rằng mình là cháu của một cựu chiến binh và tranh chấp nhà Tình nghĩa. Hiện nay, địa phương cho niêm phong nhà, không cho ai sử dụng, giữ nguyên hiện trạng, chờ cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Ông Trần Văn Thức trình bày vụ việc với Báo An Giang

Trình bày sự việc đến Báo An Giang, vợ chồng ông Trần Văn Thức (sinh năm 1964) và bà Nguyễn Thị Ly (ngụ tổ 25, ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, An Phú) cho biết, bà ngoại của bà Ly (bà Trương Thị Tôn) có 2 người em trai (ông Trương Văn Thuận, Trương Minh Lễ) đều đã chết (ông Lễ chết năm 2015). Ông Lễ tham gia cách mạng 2 thời kỳ, là hội viên của Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hội. Tháng 4-2014, vợ chồng ông Trương Minh Lễ, bà Trần Thị Mom được Hội Cựu chiến binh tỉnh An Giang tặng “Nhà tình nghĩa Điện Biên” trị giá 60 triệu đồng. Do ông bà không có con nên vợ chồng ông Thức thường lui tới chăm lo. Lúc ông Lễ qua đời, vợ chồng ông Thức lo an táng. Ngày 26-5-2020, bà Mom mất, vợ chồng ông Thức cũng lo hậu sự. Sau đó, khi vợ chồng ông Thức đến nhà lo nhang khói cho ông bà Lễ thì bị vợ chồng ông Nguyễn Văn Út, Nguyễn Thị Huệ phát sinh tranh chấp. Do đề nghị vợ chồng ông Út ra khỏi nhà không được, vợ chồng ông Thức làm đơn khiếu nại đến Ban nhân dân ấp Tắc Trúc và UBND xã Nhơn Hội xem xét giải quyết.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Tài (33 tuổi, cháu nội của ông Món - con bà Trương Thị Tôn) cho biết, khi ông bà Lễ có nhà Tình nghĩa, ông có thời gian ở chung nhà lo cho ông bà do 2 người lớn tuổi, thường bị bệnh. Nếu xét về mặt huyết thống, vợ chồng ông Nguyễn Văn Út có quan hệ bà con xa nên việc ông bà Lễ tự nguyện làm di chúc (ngày 15-10-2014) để lại nhà đất cho 2 người này là chuyện khó xảy ra. Bởi bà con thân tộc và các cháu khác của ông bà Lễ không một ai biết và thừa nhận về việc giao nhà đất.

Bổ sung về việc này, bà Nguyễn Thị Ly giải thích: “Lúc làm tờ di chúc, ngôi nhà tình nghĩa vừa mới được xây cất. Lý nào nhà tình nghĩa vừa mới được nhà nước tặng, lập tờ di chúc, lại để lại cho người bà con khá xa, trong khi con cháu ruột còn khá đông, đang thiếu chỗ ở. Đặc biệt, ông Lễ biết chữ, mà lại đi lăn tay là chuyện khó tin. Việc làm tờ di chúc và lời chứng của Công chứng viên Văn phòng Công chứng An Phú vừa qua, cần phải được làm rõ, có dấu hiệu ép buộc, lừa dối, không đúng quy định của pháp luật”.

Trả lời việc tranh chấp nhà Tình nghĩa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hội Trần Thị Tư cho biết, thực hiện Quyết định số 21/QĐ-CCB ngày 14-4-2014 của Hội Cựu chiến binh tỉnh An Giang, Hội Cựu chiến binh huyện An Phú và xã Nhơn Hội phối hợp thực hiện việc xây dựng “Nhà tình nghĩa Điện Biện”, trị giá 60 triệu đồng cho gia đình cựu chiến binh Trương Minh Lễ và bà Trần Thị Mom. Sau ngày ông Lễ chết, bà Mom ở lại ngôi nhà, các cháu có đến thăm viếng, chăm lo. Đến tháng 5-2020, bà Trần Thị Mom chết. Sau đó, gia đình ông Trần Văn Thức và ông Nguyễn Văn Út nói mình là cháu được thừa hưởng tài sản của ông bà để lại. Trong đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Út trưng ra tờ di chúc của vợ chồng ông Lễ tặng, cho ngôi nhà. Về việc vợ chồng ông Thức và bà Ly là cháu của ông Lễ thì ở đây ai cũng biết, nhưng việc nói vợ chồng ông Nguyễn Văn Út là cháu của ông Lễ ít người biết. Qua làm việc, thấy thời điểm lập di chúc ông Trương Minh Lễ đã không đủ năng lực nhận thức, nên việc xác định tờ di chúc cần phải được làm rõ”.

Thông tin thêm việc này, đại diện UBND xã Nhơn Hội cho biết, sau ngày vợ chồng ông Trương Minh Lễ chết, hai bên tranh chấp đều nói mình là cháu của người chết, có quyền được hưởng thừa kế, trong đó vợ chồng ông Nguyễn Văn Út có tờ di chúc do vợ chồng của người chết để lại. Do hai bên không nhân nhượng nhau nên hòa giải không thành. Địa phương niêm phong ngôi nhà, không cho ai được ở, yêu cầu hai bên giữ hòa khí với nhau, chờ cơ quan tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: N.R