Tại chùa Mỹ Á, những ngày này, 24 vị sư đại diện cho 24 chùa Nam tông Khmer trên địa bàn TX. Tịnh Biên miệt mài tiếp cận với kỹ thuật chế tác kinh lá buông. Đây là di sản văn hóa của đồng bào DTTS Khmer có từ lâu đời, được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, không còn nhiều vị sư sãi tại các chùa Khmer có thể thực hiện kỹ thuật chế tác này, bởi nó đòi hỏi nền tảng am hiểu về chữ Pali, chữ Khmer cổ và cả tri thức về Phật giáo của người thực hiện.
Theo hòa thượng Chau Cắt, sãi cả chùa Mỹ Á, để chế tác được kinh lá buông, còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ của người thực hiện. Bởi sai một nét, xem như hỏng cả tấm lá kinh. Với người mới tiếp cận kỹ thuật khắc chữ, chỉ có thể chế tác hoàn thiện vài lá kinh mỗi ngày.
Những tấm kinh sau khi khắc xong, vẫn chưa xuất hiện chữ rõ nét. Người ta phải bôi thêm một lớp mực, vài lớp dầu mới cho ra thành phẩm như mong đợi. Sau khi được phơi khô, những tấm kinh sẽ đóng thành bộ và lưu giữ trong nhiều năm.
Sư Chau Cắt nhớ lại, trước đây hầu như chùa Khmer nào cũng có hàng chục bộ kinh lá buông để truyền lời Phật dạy cho đời sau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, số lượng các bộ kinh cổ hiện nay không còn nhiều. Riêng chùa Mỹ Á, số lượng kinh lá buông trước đây bị khói lửa chiến tranh làm cháy khá nhiều.
Hiện nay, vị sãi cả này vẫn lưu giữ được 5 bộ kinh lá buông cổ. Có bộ tồn tại hơn trăm năm, có bộ lâu hơn nhưng do trên kinh không ghi lại năm thực hiện, nên không xác định được thời gian cụ thể. Sư Chau Cắt rất quý những bộ kinh này, ông mong rằng những người tiếp nối sẽ bảo tồn, giữ gìn chúng như “báu vật” để truyền lại cho con cháu.
Với sự miệt mài của các vị sư trẻ đang theo học kỹ thuật chế tác kinh lá buông, sư Chau Cắt có thể an tâm phần nào, khi đã có thế hệ kế thừa. Đây sẽ là những người giúp cho kỹ thuật chế tác kinh lá buông tiếp tục trường tồn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào DTTS Khmer tại An Giang trong thời gian tới.
M.Q