Tri Tôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

10/12/2019 - 07:22

 - Năm 2019, Tri Tôn thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH). Đây là cơ sở để huyện miền núi này bứt tốc về đích năm 2020, năm cuối của kỳ Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020).

Những con số ấn tượng

Có thể nói, năm 2019 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với huyện miền núi Tri Tôn, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai, khô hạn, dịch bệnh. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, tình hình KTXH của huyện tiếp tục phát triển ổn định ở mức hợp lý. Tổng giá trị sản xuất (GO) của huyện ước tăng 6,26%, cao hơn kế hoạch (5,79%). Trong đó, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,85% (kế hoạch 2,8%), khu vực công nghiệp tăng 15,95% (kế hoạch tăng 14,7%), khu vực xây dựng tăng 12,68% (kế hoạch tăng 10,82%). Giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản (giá hiện hành) đạt 125,174 triệu đồng/ha. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng trên 12%. Thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình ước đạt 40,91 triệu đồng (chỉ tiêu 40,8 triệu đồng). Các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục-thể thao, giáo dục, y tế và an sinh xã hội tiếp tục triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, đối với sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng cả năm ước đạt 113.105ha, tăng 2.921ha so năm 2018. Sản lượng lúa cả năm ước đạt 626.693 tấn, tăng 26.245 tấn. Năm 2019, chỉ số công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 15,95% so năm 2018; giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt gần 1.175 tỷ đồng. Các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tiếp tục ổn định và có chiều hướng phát triển. Trong năm, huyện đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 310 hộ với số vốn đăng ký 35 tỷ đồng, có 575 lao động tham gia. Huyện cũng đã thu hút hơn 700.000 lượt du khách đến tham quan, tập trung chủ yếu ở Khu du lịch Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc, hồ Ô Thum, Ô Tà Sóc…

Kinh tế - xã hội Tri Tôn có nhiều phát triển

Từ đầu năm đến nay, Tri Tôn đã kêu gọi được Công ty TNHH MTV Phú Phát xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung với công suất 80 triệu viên/năm, tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng. Huyện cũng đang xúc tiến hỗ trợ dự án đầu tư liên kết phát triển chuỗi giá trị gia tăng bò sữa của Tập đoàn TH với dự kiến vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, quy mô 900ha, hiện đang thỏa thuận tạo quỹ đất. Ngoài ra, còn mời gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cây ăn trái, dược liệu, bò thịt, gà công nghệ cao, trang trại chăn nuôi cá sấu, đà điểu công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, chuối cấy mô… Cùng với đó, các nhà đầu tư đang xúc tiến triển khai Dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tức Dụp 2 (hồ Ô Thum) tại xã Ô Lâm; Dự án phát triển du lịch sinh thái ở rừng tràm Tân Tuyến với tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng...

Chăm lo đời sống nhân dân

Cùng với chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Tri Tôn còn tập trung các giải pháp giảm nghèo bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, cuối năm 2018, toàn huyện có 4.198 hộ nghèo, chiếm 12,45% tổng số hộ; hộ cận nghèo có 3.302 hộ, chiếm 9,79%. Đến cuối năm 2019, huyện đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3.139 hộ, chiếm 9,31% (giảm 3,14%, tương đương 1059 hộ). Trong khi đó, hộ cận nghèo cũng kéo giảm thêm được khoảng 5,19%, tương đương 1.750 hộ. Trong năm, Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” huyện, xã đã vận động được 14,26 tỷ đồng để tổ chức tặng 24.868 phần quà, 1.000kg gạo; cất 175 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, Mái ấm ATV. Hiện nay, huyện đang tập trung cất 108 căn nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng cho người nghèo ăn Tết. Huyện còn thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 47.582 lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 18,6 tỷ đồng; chi trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng người có công với tổng kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng… Nhằm tạo điều kiện phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2019, huyện đã triển khai 11 công trình duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng thuộc Dự án 2 (Chương trình 135) với tổng kinh phí 603 triệu đồng; hỗ trợ 24 hộ dân tộc thiểu số nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi với số tiền 921 triệu đồng, nâng tổng số 92 hộ được vay với kinh phí gần 2,4 tỷ đồng… Tri Tôn đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần III-2019 với sự tham dự của 260 đại biểu; tổ chức đoàn 19 đại biểu người dân tộc thiểu số tiêu biểu của huyện tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu tỉnh An Giang lần thứ III - 2019.

Theo ông Trí, năm 2020 là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2016-2020), cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, do vậy, huyện đặt quyết tâm rất lớn. Mục tiêu của năm 2020 là nâng cao năng lực và hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, phát huy dân chủ, khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn lao động, cảnh quan thiên nhiên và các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội, để phát triển nhanh và bền vững. Huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nền tảng để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và công nghiệp, xây dựng. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt quan hệ đối ngoại; duy trì hòa bình, ổn định khu vực biên giới.

Các chỉ tiêu chính của huyện Tri Tôn năm 2020: tổng giá trị sản xuất (GO giá so sánh 2010 đối với một số ngành hàng) đạt 6.876 tỷ đồng, tăng 6,55% so năm 2019; giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản bình quân đạt 127,75 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đạt 45,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới phấn đấu giảm còn 5,31% (giảm 4%)..

 

NGÔ CHUẨN