Tri Tôn quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông

23/12/2020 - 05:36

 - Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội, huyện Tri Tôn (An Giang) triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nỗi đau này. Trong đó, việc thành lập mô hình “Cấp cứu người bị TNGT” và tăng cường phối hợp giữa ngành công an với ngành y tế để xử lý “nguội” người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả.

Ám ảnh tai nạn giao thông

Thượng tá Võ Hoàng Hải, Phó Trưởng Công an huyện Tri Tôn cho biết, từ đầu năm 2020 đến ngày 7-12, trên địa bàn huyện Tri Tôn đã xảy ra 12 vụ TNGT, làm 12 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại tài sản 10,2 triệu đồng. So năm 2019, số vụ TNGT, số người chết và bị thương đều tăng (năm 2019 xảy ra 4 vụ TNGT, làm 4 người chết, không có người bị thương). Trong số các nguyên nhân gây TNGT, việc lái xe sau khi sử dụng bia, rượu vẫn chiếm phổ biến (5 vụ), tiếp theo là vi phạm làn đường, phần đường (3 vụ), còn lại là nguyên nhân khác.

Có thể thấy, ý thức kém của người tham gia giao thông là nguyên nhân dễ dẫn đến những vụ TNGT đau lòng. Khi thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông, lực lượng chức năng đã lập biên bản quy phạm hành chính 211 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tính chung từ đầu năm 2020 đến ngày 7-12, Công an huyện Tri Tôn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.052 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), thu nộp kho bạc nhà nước gần 2,16 tỷ đồng.

Diễu hành ra mắt mô hình “Cấp cứu người bị tai nạn giao thông” trên địa bàn huyện Tri Tôn

Trước tình hình trật tự ATGT trên địa bàn huyện Tri Tôn diễn biến phức tạp, Giám đốc Công an tỉnh Đinh Văn Nơi đã quyết định thành lập mô hình “Cấp cứu người bị TNGT” trên địa bàn huyện. Theo đó, Công an huyện Tri Tôn được tặng 1 xe cứu thương chuyên dụng (do Công an tỉnh vận động từ nguồn xã hội hóa) cùng kinh phí vận hành 50 triệu đồng, giúp kịp thời tổ chức đưa người bị TNGT đến bệnh viện cấp cứu. Ban Điều hành mô hình “Cấp cứu người bị TNGT” cũng được thành lập. Thành phần tham gia Ban Điều hành gồm lãnh đạo Công an huyện và Bệnh viện Đa khoa huyện Tri Tôn; thông qua quy chế hoạt động chặt chẽ.

Theo đại tá Mai Văn Nói, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh), Tri Tôn là địa phương thứ 2 (sau TP. Long Xuyên) được tặng xe cứu thương và triển khai mô hình “Cấp cứu người bị TNGT”. “2 mô hình này có kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Tỉnh chọn 1 huyện miền núi, dân tộc (Tri Tôn) và thành phố trung tâm kinh tế - xã hội (Long Xuyên) để triển khai, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm, tính toán nhân rộng. Bên cạnh mô hình “Cấp cứu người bị TNGT”, Công an tỉnh còn phối hợp Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo triển khai mô hình “2 an” (an sinh xã hội, an ninh trật tự) trong tín đồ Phật giáo Hòa Hảo; tăng cường 500 công an chính quy về xã; xây dựng ứng dụng quản lý, phản ánh về trật tự ATGT (được Viettel tài trợ 1 tỷ đồng)…” - đại tá Mai Văn Nói thông tin.

Phối hợp đồng bộ

Nhân dịp ra mắt mô hình “Cấp cứu người bị TNGT” vào ngày 11-12, Công an huyện Tri Tôn kết hợp triển khai kế hoạch thực hiện quy chế phối hợp giữa Công an huyện với Trung tâm Y tế huyện về kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Theo quy chế phối hợp, khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện, các cơ sở sẽ thông báo cho công an đến đo nồng độ cồn, nếu phát hiện vi phạm có thể xử phạt “nguội” nhằm tăng cường tính răn đe. “Khi cách làm này được thực hiện nghiêm túc và lan tỏa, người lái xe sẽ ngán ngại, không dám lái xe sau khi uống rượu, bia, góp phần kiềm chế TNGT” - đại tá Nguyễn Trường Viễn, Trưởng Công an huyện Tri Tôn nhận định.

Cùng với triển khai mô hình “Cấp cứu người bị TNGT” và tăng cường phối hợp với ngành y tế, Tổ công tác bảo đảm trật tự ATGT, an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn huyện Tri Tôn cũng được Công an huyện Tri Tôn thành lập. Tổ công tác do Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự chịu trách nhiệm điều hành chính, thay thế vai trò của Tổ ANTT hay đặc nhiệm trước đây, ngoài thực hiện các công việc chung, đột xuất còn có nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn người bị TNGT vào cấp cứu trong bệnh viện để xử lý “nguội” sau này. Tổ công tác cũng có nhiệm vụ quản lý và sử dụng xe cứu thương một cách hiệu quả.

“Để đảm bảo trật tự ATGT, lực lượng công an xã phải tăng cường trách nhiệm ở cơ sở. Đội tham mưu Công an huyện cần tham mưu việc bổ sung kinh phí, phương tiện kịp thời cho nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, ANTT. Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự phải cử bổ phần thường trực điều hành xe cứu thương, chuẩn bị sẵn sàng để khi cần là nổ máy đi liền, kịp thời cấp cứu người bị TNGT, không chỉ điều trị trên địa bàn huyện mà có thể đưa cấp cứu xuống tỉnh khi cần. Quá trình sơ cứu, cấp cứu phải phối hợp nhịp nhàng với nhân viên y tế” - đại tá Nguyễn Trường Viễn nhấn mạnh.

“Năm 2020, tình hình trật tự ATGT, nhất là TNGT diễn biến rất phức tạp, là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tri Tôn quyết tâm phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, triển khai các giải pháp kéo giảm TNGT. Trong đó, thông điệp “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “tính mạng con người là trên hết” là chủ đề xuyên suốt, được tập trung thường xuyên” - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tri Tôn Phạm Văn Lèo nhấn mạnh

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích