Tri Tôn thu hút đầu tư vào nông nghiệp

02/12/2021 - 05:41

 - Với lợi thế đất nông nghiệp rộng, Tri Tôn (tỉnh An Giang) đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, vướng mắc chung của huyện là hệ thống giao thông còn yếu kém, kéo theo khó khăn trong khâu vận chuyển trang thiết bị, cơ sở vật chất đến điểm thực hiện, khiến các dự án thường kéo dài hơn tiến độ.

Khơi dậy tiềm năng

Ngày 27-2-2021, tại xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) diễn ra sự kiện đặc biệt: UBND tỉnh An Giang phối hợp Tập đoàn TH tổ chức lễ khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại An Giang. Khi đi vào vận hành, đây là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực ĐBSCL. Dự án có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; quy mô đàn bò nuôi tập trung 10.000 con cùng nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày. Dự án được Chính phủ kỳ vọng sẽ là hình mẫu về mô hình bò sữa công nghệ cao, để nhân rộng cho cả vùng ĐBSCL.

Sau lễ khởi công, Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao An Giang (thành viên Tập đoàn TH) bắt tay vào triển khai dự án. Tuy nhiên, do điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông chưa đảm bảo nên chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng các công trình cơ bản. Trước mắt, công ty đang thực hiện tạo vùng nguyên liệu dự kiến 3.000ha cỏ phục vụ làm thức ăn cho bò sữa. Thời gian tới, chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai một số hạng mục theo nội dung dự án được phê duyệt.

Tri Tôn thu hút các nhà đầu tư lớn vào nông nghiệp

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn huyện có tổng cộng 19 dự án nhận được quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của UBND tỉnh. Tổng diện tích đất sử dụng cho các dự án trên 13,83 triệu m2; tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 8.424 tỷ đồng. Đến nay, có 14 dự án được triển khai thực hiện, trong đó có một số dự án hoàn thành.

Bên cạnh nỗ lực hỗ trợ của tỉnh, huyện về thủ tục, cơ sở pháp lý, quỹ đất đầu tư thì việc triển khai các dự án trên địa bàn huyện Tri Tôn đa số gặp phải khó khăn chung là hệ thống đường giao thông nông thôn còn yếu, ảnh hưởng việc vận chuyển trang thiết bị, cơ sở vật chất đến điểm thực hiện dự án. Do đó, các dự án thường kéo dài hơn tiến độ được phê duyệt. Bên cạnh đó, do tác động dịch bệnh COVID-19, nhiều sản phẩm từ dự án gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra, các chủ đầu tư phải chủ động thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ

Dự án sản xuất chuối chế biến xuất khẩu, phát triển giống chuối cấy mô công nghệ cao của Công ty TNHH chế biến nông sản Vĩnh Phát là một trong những dự án nông nghiệp công nghệ cao sớm được đầu tư trên địa bàn huyện Tri Tôn. Đến nay, dự án đã triển khai thực hiện được 150ha. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên tình hình đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn, gây trở ngại cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thêm diện tích trồng chuối như diện tích đã đăng ký ban đầu, nỗ lực liên kết đầu ra ổn định.

Một dự án khác là dự án trồng chuối cấy mô công nghệ cao xuất khẩu của Công ty Cổ phần XNK nông sản Xanh Việt. Công ty đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục theo nội dung dự án đăng ký và đang đi vào sản xuất. Công ty đang trồng 40ha chuối cấy mô, quá trình sản xuất nhìn chung tốt. Chủ đầu tư có kế hoạch mở rộng thực hiện thêm khoảng 10ha tại vị trí khu đất nằm tiếp giáp với khu đất đang sản xuất..

Đối với dự án trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng - An Giang 2 của Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang, đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Trong giai đoạn dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra, do thực hiện tốt các biện pháp an toàn vệ sinh phòng bệnh, trại nuôi không bị thiệt hại lớn. Vừa qua, chủ đầu tư đã có thỏa thuận mua bán và chuyển giao dự án cho Tập đoàn THACO để tiếp tục phát triển chăn nuôi.

Đối với các dự án liên quan lĩnh vực lúa gạo, tiến độ cơ bản tốt, góp phần vực dậy lợi thế lúa gạo của huyện Tri Tôn. Trong đó, dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc của Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc đã thi công trên 80% hạng mục trong tổng khối lượng công trình đã đăng ký. Chủ đầu tư tiếp tục triển khai hoàn tất các hạng mục công trình còn lại để có thể đưa vào hoạt động ngay trong năm 2021.

Trong khi đó, dự án nhà máy chế biến lương thực Trịnh Văn Phú của Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú đã hoàn thành và đưa vào sản xuất. Chủ đầu tư mong muốn thời gian tới, tạo dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm vào thị trường.

Ngoài các dự án đang triển khai thực hiện, huyện Tri Tôn đang mời gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực phát triển bò thịt; trồng lúa, cây ăn trái hữu cơ; dự án năng lượng mặt trời kết hợp chăn nuôi… Khi các dự án đưa vào thực hiện sẽ góp phần lớn trong phát triển ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn giai đoạn tiếp theo.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích