Tháng 3/2023, Bộ Y tế biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản thi hành Luật. Cụ thể, theo Quyết định 264/QĐ-TTg, Bộ Y tế rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; gửi về Bộ Y tế trong tháng 3/2023 (Bộ Y tế hoàn thành việc rà soát trong tháng 4/2023). Năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ Y tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân, người hành nghề về các quy định về quyền và nghĩa vụ, nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức tập huấn triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ Trung ương, địa phương, nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thi hành luật.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm 12 chương, 121 Điều, có một số điểm mới cơ bản, như: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Đáng chú ý, Luật đã quy định mở rộng đối tượng hành nghề; thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Đồng thời, nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, như: Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề; quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề. Luật cũng quy định người nước ngoài hành nghề hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo; áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá, cũng như công khai thông tin về chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh, đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.
Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ. Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên...
Về lộ trình, sẽ do Chính phủ chỉ đạo để cân đối cho tình hình kinh tế - xã hội và dựa trên chỉ số CPI mà Quốc hội đã giao hàng năm. Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện thông tư giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Việc này xuất phát từ yêu cầu thực tế của người dân, người bệnh và từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ... Từ đó, cố gắng từng bước giữ người bệnh đáng lẽ ra nước ngoài điều trị thì ở lại trong nước. Dự kiến trong quý I đến quý II/2023 sẽ ban hành thông tư về giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu khi được Chính phủ đồng ý trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh. Bộ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời dự kiến đưa ra phương thức tính toán, giao quyền cho các cơ sở để tự quyết định.
K.N