Trở lại mưu sinh

08/09/2021 - 19:53

 - Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người lao động bắt đầu trở lại với cuộc mưu sinh. Với họ, khoảng thời gian sau giãn cách là cơ hội để ổn định đời sống, nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đưa vội chai nước lên miệng uống một hơi dài, anh Nguyễn Văn Phát (ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) cảm thấy sảng khoái, vơi bớt mệt nhọc sau thời gian lao động vất vả với công việc bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Châu Đốc. Từ ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, anh Phát phải dừng cuộc mưu sinh, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Khi TP. Châu Đốc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh Phát nhanh chóng trở lại với công việc trước đây, bởi kinh tế gia đình đang gặp khó khăn, không cho phép anh “nghỉ ngơi” lâu hơn.

Anh Phát chia sẻ: “Hồi tui nghỉ tránh dịch, anh em vẫn còn chở nông sản tại chợ, vì họ chấp nhận ngủ lại đó vào ban đêm chứ không về nhà. Bây giờ quay lại công việc tuy hơi khó khăn, bởi mấy mối giao hàng đã có người khác nhận. Nhờ anh em chia lại vài chỗ nên tui kiếm sống qua ngày, chấp nhận ăn nghỉ tại chợ một thời gian nữa. Được quay lại mưu sinh là tui mừng lắm, có như vậy cuộc sống đỡ khó khăn hơn”.

Người lao động trở lại mưu sinh tại chợ đầu mối nông sản Châu Đốc

Là “đồng nghiệp” với Nguyễn Văn Phát, anh Nguyễn Thanh Thiện (ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) vẫn duy trì mưu sinh trong những ngày đại dịch diễn biến phức tạp. Vì gia đình, anh chấp nhận “3 tại chỗ” ở chợ nhiều ngày qua, bù lại nguồn thu khá hơn. Anh Thiện cho biết, thu nhập của anh trong những ngày giãn cách xã hội khá cao, khoảng 300.000-400.000 đồng/ngày do không còn nhiều người chở hàng thuê như trước đây. Để đảm bảo an toàn, anh luôn đeo khẩu trang, cố gắng tránh tiếp xúc gần với người khác. Điều thuận lợi là tiểu thương và người lao động tại chợ cũng ý thức cao trong việc phòng dịch, giúp anh yên tâm hơn.

Hiện tại, anh Thiện vẫn giữ thói quen phòng dịch như những ngày qua, bởi đó là cách giúp anh và gia đình an toàn. “Hạ mức giãn cách xã hội chứ dịch bệnh vẫn còn tồn tại, mình tự bảo vệ bản thân là tốt nhất. Với lại, tui đeo khẩu trang riết cũng quen, như người ta chạy xe gắn máy phải có nón bảo hiểm. Bây giờ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân kiếm sống nên ai cũng mừng. Mấy hôm trước, cán bộ y tế test nhanh cho tiểu thương, người lao động trong chợ, mà kết quả âm tính hết, anh em vững bụng tiếp tục mưu sinh” - anh Thiện chia sẻ.

Lặng lẽ đội mâm bánh bước lầm lũi trong cái nắng chói chang, chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) vẫn tỏ ra lạc quan, vì đã được ra đường mưu sinh. Hiện giờ, mâm bánh bò, bánh tai yến là nguồn sống của 3 mẹ con. Những ngày dịch COVID-19 chưa phức tạp, chị Nhung bán vé số với mức thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày, tạm đủ lo cơm áo và dành dụm cho mấy đứa con đi học. Dịch bùng phát, chị phải ở nhà, cuộc sống khó khăn bội phần. Bây giờ, địa phương cho người dân được ra đường mở ra cơ hội để chị có được thu nhập. Mâm bánh với đồng lời hơn 50.000 đồng/ngày, giúp chị vượt qua khó khăn trước mắt, đợi đến khi có thể bán vé số trở lại. Dù mồ hôi nhễ nhại, nhưng ánh mắt chị Nhung vẫn toát lên sự lạc quan. Bởi lẽ, được mưu sinh sẽ không phải trông chờ vào sự giúp đỡ của xã hội. Chị biết cuộc sống còn nhiều người khổ hơn mình, bản thân còn kiếm tiền được thì phải cố gắng. Khi dịch bệnh ổn định, con chị được quay trở lại trường học, chị sẽ tiếp tục bôn ba với… trường đời!    

Mỗi ngày, chị sử dụng đến 3 chiếc khẩu trang y tế, phần vì chúng mau ướt, phần muốn thay đổi để đảm bảo an toàn. Có lẽ, suy nghĩ của chị Nhung cũng như bao nhiêu người khác, chỉ mong cuộc sống mau trở lại trạng thái bình thường của ngày xưa, để họ được bận rộn mưu sinh, chăm lo cho gia đình. Đặc biệt, họ chờ mong sớm được tiêm vaccine phòng COVID-19, vì họ hiểu đó là yếu tố quan trọng để “sống chung với dịch”. Vaccine rồi sẽ đến với người dân, bởi các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đang cố gắng triển khai. Tuy nhiên, trước khi được tiếp cận vaccine phòng COVID-19, mọi người hãy tự trang bị liều “vaccine ý thức” cho mình, để bảo vệ bản thân và cộng đồng sau những ngày giãn cách.

THANH TIẾN